6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP Hà Tĩnh tăng 17,56%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Ngọc Loan
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP Hà Tĩnh ước đạt hơn 8.227 tỷ đồng, tăng 17,56% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 38% toàn tỉnh; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 1.225 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 50% toàn tỉnh.
Theo các nhà chuyên môn, trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề về dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa thiết yếu, TP Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định hệ thống phân phối và bình ổn giá cả để kích thích tiêu thụ nội địa cả trong và sau dịch Covid-19.
Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu ở TP Hà Tĩnh vẫn ổn định kể cả trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh
Bên cạnh đó, là địa bàn trung tâm nên thành phố có khá nhiều lợi thế giúp cho các ngành thương mại - dịch vụ luôn “có đất” để diễn ra sôi động và sớm phục hồi sau thời gian gặp khó khăn.
Ông Trần Hoài Nam - Trưởng phòng Thống kê kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) cho biết: “So với năm 2020 thì các hoạt động thương mại - dịch vụ của tỉnh nói chung và TP Hà Tĩnh nói riêng vẫn có những “điểm sáng” nhất định. 5 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng các nhóm ngành đều đạt khá, giúp các doanh nghiệp có khả năng bù đắp những khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Thêm vào đó, TP Hà Tĩnh là nơi tập trung các đầu mối cung ứng hàng hóa, doanh nghiệp lớn với đa dạng loại hình và phương thức kinh doanh, vì thế các hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn không đứt quãng”.
Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh vừa kích hoạt các giải pháp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, vừa chống dịch an toàn.
Tháng 6/2021 là thời điểm khó khăn nhất của Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh kể từ đầu năm đến nay. Dịch bệnh Covid-19 tấn công, các thị trường đột ngột giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, doanh thu tụt giảm mạnh, kế hoạch sản xuất - kinh doanh luôn phải dự phòng khả năng công nhân bị phơi nhiễm dịch bệnh Covid-19....
Thế nhưng, ngay khi khó khăn đi qua, công ty đã sớm vận hành trạng thái “bình thường mới”, vừa kích hoạt các giải pháp sản xuất - kinh doanh hiệu quả, vừa chống dịch an toàn. Ông Trương Doãn Đức - Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh) cho biết: “Một mặt chúng tôi luôn sẵn sàng nguồn cung để đáp ứng kịp thời nhu cầu từ thị trường, mặt khác kích hoạt các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp vận tải để cùng vượt qua khó khăn, thúc đẩy chỉ số kinh doanh trở lại đà tăng. Rất may, chính kết quả kinh doanh tốt trong 5 tháng đầu năm đã tạo lực cho tình hình sản xuất - kinh doanh sớm ổn định và bắt nhịp điều kiện mới kể từ đầu tháng 7 đến nay”.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng nhiên liệu của Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh đạt 74.000 m3/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tổng sản lượng bán lẻ đạt 53.000 m3/tấn (tăng 17% so với cùng kỳ); doanh thu đạt 852 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Theo dự báo, tình hình kinh doanh có nhiều khả quan sẽ sớm trở lại trong những tháng cuối năm nay.
Co.opmart Hà Tĩnh luôn sẵn sàng nguồn cung dồi dào để phục vụ nhu cầu của khách hàng
Ở phân khúc hàng hóa bán lẻ, các hệ thống chuỗi siêu thị Vinmart+, siêu thị Co.opmart, Co.op Food, cửa hàng tiện lợi... tiếp tục là điển nhấn trong lĩnh vực thương mại. Trong thời điểm dịch bệnh, các nhà cung ứng này kịp thời chuyển mạnh sang mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với những chính sách ưu đãi tối đa cho người tiêu dùng như: giảm giá, miễn phí ship tận nhà, quà tặng kèm... để khai thác tối đa mức tiêu thụ nội địa.
Chị Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Co.opMart Hà Tĩnh cho biết: “Siêu thị tăng các kênh giới thiệu, kết nối với khách hàng qua các kênh trực tuyến, nhận “đi chợ” cho khách hàng và áp dụng giảm giá rất nhiều các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, đồ dùng gia đình... Đồng thời, cung cấp các dịch vụ thanh toán đa dạng để hướng đến sự tiện lợi nhất cho khách hàng và phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, dù rất khó khăn, doanh thu của siêu thị vẫn đạt hơn 100 tỷ đồng, giữ ổn định kinh doanh”.
Du lịch, khách sạn và dịch vụ lữ hành vẫn còn gặp khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, với những chỉ đạo mới của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng dịch hiệu quả, trừ ngành du lịch, lữ hành và khách sạn, bức tranh thương mại - dịch vụ thành phố Hà Tĩnh đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt.
Được biết, TP Hà Tĩnh cũng đã có những kế hoạch cụ thể nhằm phát triển thương mại - dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Trong đó, chuẩn bị ban hành đề án văn minh trong kinh doanh thương mại - dịch vụ; hoàn thành chuyển đổi mô hình một số chợ theo đúng quy hoạch, quy cũ và chuyên nghiệp hơn; xây dựng các tuyến phố chuyên doanh, chợ đêm... nhằm khai thác hết các dư địa tăng trưởng của lĩnh vực tiềm năng, đồng thời gắn với sự phát triển không gian, mỹ quan đô thị.