Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: Báo Nhân dân.
Sáng 4/1, Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2022, tình hình KT-XH nước ta đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Cả năm đạt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6 - 6,5%); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng khoảng 3,15%. Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trình bày báo cáo công tác năm 2022. Ảnh: Báo Nhân dân
Đạt được những kết quả đó, Bộ KH&ĐT với chức năng là cơ quan tham mưu, tổng hợp về KT-XH, đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng các kịch bản tăng trưởng; tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp, các giải pháp ứng phó kịp thời. Các giải pháp đưa ra có trọng tâm, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giản ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
Bộ cũng đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy tinh thần kinh doanh, sáng tạo, bản lĩnh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và yêu cầu phát triển bền vững hậu COVID-19; kịp thời tham mưu các giải pháp kiểm soát lạm phát; điều tra, tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ…
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những kết quả đạt được trong nhiệm vụ phát triển KT-XH của các địa phương và cả nước; đánh giá công tác triển khai, phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương với Bộ KH&ĐT… Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành KH&ĐT trong năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong thành tựu phát triển KT-XH chung của cả nước, có vai trò quan trọng của Bộ KH&ĐT và ngành KH&ĐT nói chung.
Về nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chiến lược trong chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2023 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đặc biệt, nắm chắc và đánh giá tình hình diễn biến trong và ngoài nước để tham mưu thực hiện mục tiêu giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn...
Tiếp tục rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành để tham mưu xây dựng những chính sách mới, góp phần kiến tạo và phát triển đất nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; huy động nguồn lực và phân bổ nguồn lực Nhà nước phù hợp, hiệu quả, tránh dàn trải.
Phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy kinh tế hội nhập, kinh tế quốc tế; tập trung cho công tác chuyển đổi số, thống kê, truyền thông chính sách, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất; có cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong đời sống và sản xuất; nâng cao vai trò kiến tạo của Bộ KH&ĐT...
Tại Hà Tĩnh, năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 3,98%. Tổng thu ngân sách đạt trên 18.000 tỷ đồng. Xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công đạt trên 85% kế hoạch (trên 9.000 tỷ đồng). Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay (khoảng 1.400 doanh nghiệp). Các dự án đầu tư trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ. Các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đều đã được phê duyệt chủ trương và giao chủ đầu tư, hiện đang tiếp tục triển khai hoàn thiện các thủ tục tiếp theo để triển khai đầu tư. 3 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai kịp thời. Đến nay, Hà Tĩnh có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 69%); 177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 98%). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 3,79%, hộ cận nghèo là 4,04%. Năm 2023, Hà Tĩnh đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 19 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 45 nghìn tỷ đồng; hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. |