Quá tô hồng mình trên Facebook, coi chừng bị tác dụng ngược - Ảnh: MINH GIẢNG
Đưa hình ảnh cuộc sống, gia đình, những "hơi thở" mỗi ngày của mình lên trang cá nhân Facebook vốn dĩ là những chia sẻ bình thường.
Không ít người ngưỡng mộ, xuýt xoa với những chủ "tút" có hình ảnh cuộc sống hạnh phúc, giỏi giang và chất lượng. Nhưng phía sau, thực tế vô cùng ngỡ ngàng...
Chúng ta có quyền trưng ra những hình ảnh, thông tin nhưng hãy tỉnh táo và làm sao để hình ảnh trên mạng xã hội cũng gần thống nhất ngoài đời thực tại, để góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp của mình trong mắt những người xung quanh.
Sống vì...view
Câu chuyện về chị N.H.T. (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được một nhóm bạn tếu táo là chân dung người sống qua mùa... view.
Một người trong nhóm kể lại về T.: "Cô ấy cứ một ngày có một nội dung để đăng lên, hình ảnh thật nhưng... không thật.
Có lần thấy đăng lên cơm canh tự làm, trông ngon và rất bắt mắt, hình nhặt ở đâu rồi chỉnh sửa, nhưng đến nhà thì ngã người vì cô ấy đang nấu mì tôm.
Quần áo, giày guốc cũng vậy, cứ bảo được tặng, rồi mang lên khoe nhưng hoặc tự mua, hoặc mượn hình... minh họa.
Thế mà có nhiều người cứ khen và thích. Nhiều lúc trong nhóm muốn còm (bình luận - PV) nhưng bạn quay sang giận hờn, cả nhóm hiểu chuyện nên thôi".
"Căn phòng hoa hồng trên trang cá nhân của X. rất thơ rất đẹp, nhưng xung quanh thì rất lộn xộn, bề bộn.
Cô ấy chỉ chăm mỗi "góc" để ăn view (lượt thích) với những nội dung sáo rỗng, bạn bè thân biết hết nên ngao ngán lắm. Chồng cũng lắc đầu nhưng không chữa được, vì vợ mình có "hạnh phúc" quá đặc biệt" - chị L.H.G. (34 tuổi, giáo viên toán) xen lời kể của P.X. (35 tuổi, chuyên viên kế toán cho công ty truyền thông).
Câu chuyện của chị N.H.T. cũng là mẫu số chung của không ít trường hợp trên thế giới ảo.
Đa số bạn bè, người quen sơ trên Facebook đều đánh giá "cao" độ bản lĩnh, sâu sắc qua những tuyên ngôn sắt thép về hôn nhân gia đình, dựng xây và giữ lửa hạnh phúc trên trang cá nhân chị Ng.T.D. (30 tuổi, TP.HCM).
Chị cho đó là thế giới mình phải sống... vì chị cần phải xây dựng hình ảnh, để công việc còn thuận lợi.
Nhưng mấy ai biết bên trong cuộc sống gia đình chị luôn là những lần cơm không lành, canh không ngọt.
Chồng chị, anh M.T.D. (kỹ sư xây dựng) thở dài nói: "Vợ mình có những thú vui, hạnh phúc, làm chồng không ai cấm cản.
Cơm trưa, nhà cửa, tuyên ngôn trên Facebook đủ đầy và lộng lẫy, nhưng thực tế chồng có khi phải tự vào bếp nấu nướng, nhà cửa thì phải thuê giúp việc, tuyên ngôn thì mượn lời và sưu tầm... thử hỏi giới hạn nào cho sức chịu đựng?".
Mất sự tin tưởng trong mắt người khác
"Bê" nguyên những việc phi thực tế làm... cuộc sống thực tế trên trang cá nhân của mình để làm niềm vui ảo, không phải ai cũng cân nhắc được chừng mực. Vì lẽ đó, ảnh hưởng nhạt vị cuộc sống thật, những giãn cách từ những mối quan hệ... không thể nào tránh khỏi.
Trao đổi với ông Đào Lê Hòa An - chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, ông cho rằng mạng xã hội là kênh truyền thông, mà người sử dụng có thể gửi đi thông điệp cho người khác với mục đích để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện bản thân - đây là một trong những nhu cầu cao nhất của con người.
"Bình thường trong cuộc sống gia đình chúng ta hay "face to face" (mặt đối mặt - PV) thể hiện thông tin với gia đình, con cái, bạn bè đối tác, nhưng trên mạng xã hội chỉ còn một mặt duy nhất là mình, thông tin đăng lên phù hợp đối tượng này nhưng không phù hợp đa số đối tượng còn lại, mang tính chất đại chúng.
Người đăng hình nhận được sự công nhận, ghi nhận của "khán giả", hay nói cách khác chủ trang Facebook giống như người nghệ sĩ trên sân khấu, vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn để nhận được sự tán dương từ thông tin có thật và thông tin họ tự chế biến để mọi người chú ý, tự "tô hồng" cuộc sống như là thật mà lại không có thật trong mắt những người không biết họ là ai.
Tôi đã gặp những chị bạn cũng rất ảo, check in là ở Pháp nhưng rõ ràng ghép hình, khoe cuộc sống thả lượn, nhàn nhã nhưng phía sau chật vật biết bao", ông Hòa An nói.
Theo ông Hòa An, khi người viết "tút" đăng thông tin không đúng, nếu mọi người biết sự thật sẽ dẫn đến hệ lụy: "Mất sự tin tưởng trong mắt người khác, giá trị những lời nói không được sự tin cậy, đánh mất hình ảnh chân thực, ảnh hưởng chất lượng trong mối quan hệ công việc, giao tiếp, cuộc sống...
Trong quá trình tô hồng cuộc sống bằng những lượt like, comment dựa trên những thông tin đăng và được tán dương mà họ đánh đồng là tự hào ảo, tự huyễn hoặc bản thân mình".
Ảo quá mức dễ gây hệ lụy Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (TP.HCM) bày tỏ: "Tôi không phủ nhận giá trị tích cực của việc xây dựng hình ảnh, kết nối qua Facebook nhưng chị em đưa hình ảnh không thật để được quan tâm, để được thỏa nhu cầu, để thừa nhận được tôn trọng thì... ảnh hưởng ngược lại. Sự thật ảo vỡ lẽ thì mọi người có cái nhìn không mang tính tích cực, sự cảm nhận cũng không đồng nhất, khó có được sự tôn trọng cho những người ảo quá mức, ngay cả đó là người thân của mình. Chơi Facebook như một văn hóa, người sử dụng hãy thực tế, tỉnh táo vì thế giới ảo nhưng hệ lụy lại là thật". |