Ông Trần Đình Tú - người được dòng họ Trần ở Tượng Sơn giao giữ sắc phong
Ông Trần Đình Tú (người giữ các sắc chỉ, sắc phong thời vua Tự Đức ban cho ông Trần Đình Lãng) kính cẩn dâng nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trước khi mở chiếc hộp gỗ đựng bảo vật gia truyền. Ông Tú cho biết, từ thời ông bà nội đến thời cha mẹ của ông đều giữ gìn bảo vật này hết sức cẩn thận; đời này truyền sang đời khác nhưng không ai dám mở ra xem.
Đến năm tận tháng 12/2010, anh em trong dòng họ Trần mới bàn bạc, quyết định mở bảo vật gia truyền và đưa những tài liệu được cất giữ đi dịch chữ Hán nôm. Bảo vật gồm hộp gỗ vuông khoảng 80cm, phía trong là hộp gỗ tròn trạm trổ hoa văn tinh xảo. Những bản sắc chỉ, sắc phong ban chức, cấp bằng cho ông Trần Đình Lãng được cất giữ cẩn thận trong 2 lớp hộp này.
11 tờ giấy lụa mỏng viết chữ Hán nôm có đóng dấu vuông đỏ được xác định là những sắc chỉ phong các chức quan từ nhỏ đến lớn của ông Trần Đình Lãng. Mỗi bản sắc chỉ đều ghi rõ chức quan được phong và ngày tháng cụ thể.
Đặc biệt là bản sắc phong do vua Tự Đức ban với nội dung: Truy tặng ông Trần Đình Lãng là Hàn Lâm Viện Thị Giảng, quan Ngự sử triều đình, đến nay vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Bản sắc phong của nhà vua ghi rõ: Tự Đức năm 27, ngày 27/6 Al, tức ngày 30/7/1874 .
Các bản dịch sắc chỉ, sắc phong được ông Tú sao chép gửi cho tất cả con cháu trong dòng họ để thế hệ sau được biết về quá trình cống hiến cho đất nước của ông Trần Đình Lãng và nỗ lực phấn đấu xứng đáng với tiên tổ. Trong 2 cuộc kháng chiến, dòng họ Trần ở thôn thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn có 4 liệt sỹ và 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ căn cứ đó, xã Tượng Sơn và Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã thực hiện các thủ tục để xem xét đề xuất xếp hạng công trình văn hóa đối với nhà thờ Trần Đình Lãng. Tháng 6/2012, nhà thờ Trần Đình Lãng trên địa bàn thôn Hà Thanh chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Nhà thờ được xây rất kiên cố với những lớp tường dày
cùng với nhiều đường nét trang trí đẹp mắt
Nhiều năm qua, con cháu dòng họ Trần đã cố gắng gom góp để sửa chữa, nâng cấp nhà thờ, tuy nhiên hiện dòng họ chỉ còn 13 hộ; số người thành đạt, có điều kiện kinh tế khá giả không nhiều nên kinh phí huy động có hạn.
Trong khi đó, hàng trăm năm qua, chiến tranh, thiên tai đã khiến cho nhiều hạng mục lớn của nhà thờ xuống cấp
Những lớp gạch dày cũng không chống đỡ được sự xói mòn của thời gian.
và một số hạng mục, vị trí đã xuống cấp
Cổng vào nhà thờ và khuôn viên hiện chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng.
“Cũng vì vậy mà bảo vật gia truyền và bản gốc bằng công nhận nhà thờ Trần Đình Lãng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chúng tôi đang cất giữ tại nhà, chưa thể được đặt trong nhà thờ. Mong sao các cấp ngành hỗ trợ kinh phí để xây dựng khuôn viên, làm cổng vào và nâng cấp nhà thờ Trần Đình Lãng xứng đáng với giá trị của di tích cấp tỉnh" - ông Tú trăn trở.