Để tìm đầu ra cho sản phẩm, người dân Thạch Đồng đã đầu tư máy thêu vi tính để làm các loại vỏ chăn, ga, gối
Chẳng ai nhớ rõ, nghề truyền thống trồng bông, dệt vải đã gắn bó với mảnh đất ven đô này tự bao giờ, chỉ biết rằng, nhiều thế hệ người dân Thạch Đồng đã lớn lên, trưởng thành nhờ nguồn thu nhập từ nghề truyền thống. Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt của quy luật cạnh tranh trên thương trường, đã có nhiều hộ buông xuôi khi sản phẩm làm ra lỗi thời, không tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Tuy vậy, một số người dân vẫn đau đáu với nghề cha ông, họ vẫn nuôi khát vọng mưu sinh từ nghề truyền thống và luôn trăn trở tìm hướng đi mới. Không trồng bông nữa, họ chuyển hướng sang mua nguyên liệu về dệt khăn, dệt thảm, rồi đầu tư máy móc để chằm chăn, ép đệm. Ông Dương Công Diệu (thôn Đồng Công) cho biết: “Khi sản phẩm thủ công yếu thế, tôi đã trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Năm 2010, tôi mạnh dạn vay 200 triệu đồng để mua máy chằm chăn đông. Từ việc áp dụng KHKT, tìm hiểu nhu cầu thị trường và nguồn bông silic ở Hà Tây, sản phẩm chăn của gia đình đã được thị trường đón nhận. Giờ đây, tôi đã mua thêm máy, mở rộng xưởng sản xuất và tạo việc làm cho 5-7 nhân công trên địa bàn”.
Máy móc hiện đại đang là giải pháp để các hộ dân ở Thạch Đồng tìm lại vị thế cho nghề truyền thống
Cũng từ khát khao tìm lại vị thế cho nghề truyền thống, gia đình bà Dương Thị Minh - chủ sơ sở sản xuất Minh Kham ở thôn Hòa Bình cũng đã đi tắt đón đầu trong việc đầu tư mua sắm các loại máy móc, đưa công nghệ mới vào sản xuất chăn, ga gối đệm. Bà Minh cho biết: “Chúng tôi đã đi tham quan, học hỏi, đầu tư tiền tỷ để mua các loại máy chần chăn, ga, gối, máy thêu vi tính, máy may công nghiệp để có các sản phẩm mới mẫu mã đẹp, chất lượng cao hơn. Theo thời gian, sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và những vùng lân cận. Cơ sở của gia đình cũng đã giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng”.
Nghề truyền thống đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động
Trong số 27 hộ còn duy trì nghề truyền thống ở Thạch Đồng hiện nay, chỉ có 8 hộ sản xuất thường xuyên với quy mô lớn, số còn lại chủ yếu làm theo mùa vụ. Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Hương cho biết: “Để tìm lại vị thế cho nghề truyền thống, sự nhanh nhạy, sáng tạo và mạnh dạn của người dân là yếu tố vô cùng quan trọng. Hiện nay, sản phẩm của làng ngày càng phong phú, đa dạng hơn bởi mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, chỉ với 8 hộ đầu tư máy móc, phát triển sản xuất thì nghề truyền thống vẫn chưa thể tìm lại được vị thế mũi nhọn kinh tế của địa phương”.
Quá trình đô thị hóa và sự phát triển của đời sống xã hội sẽ khai sinh nhiều ngành nghề mới, đồng thời cũng “khai tử” nhiều nghề truyền thống. Để giữ “lửa” làng nghề, yếu tố cần nhất chính là ý thức gìn giữ, sự sáng tạo, nhanh nhạy của người làm nghề.