Nhiều nông dân Lộc Hà được trang bị kiến thức qua các lớp đào tạo nghề đã vươn lên làm giàu
Từng được xếp vào danh sách hộ nghèo ở thời điểm năm 2014, đến nay, gia đình bà Trần Thị Huyền (60 tuổi, ở thôn Xuân Tây, Hộ Độ, Lộc Hà) đã thoát nghèo nhờ ứng dụng kiến thức học từ khóa đào tạo nghề ngắn hạn do Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà tổ chức vào mô hình chăn nuôi gà.
Bà Huyền cho biết: “Sau khi nghề làm muối không còn phát huy hiệu quả, chúng tôi không biết làm gì để sinh sống. Đúng thời điểm đó, tôi được tham gia lớp học về kỹ thuật chăn nuôi gà. Nhờ kiến thức đó cũng như sự hỗ trợ của chính quyền về nguồn vốn, giống..., gia đình có việc làm, vươn lên thoát nghèo”.
Từ một nông dân “thất nghiệp”, bà Trần Thị Huyền đã có nguồn thu ổn định nhờ nuôi gà đúng quy trình..
Được biết, 5 năm nay, gia đình bà Trần Thị Huyền duy trì đều đặn mô hình chăn nuôi gà tại nhà với quy mô trên 200 con mỗi lứa. Ngoài kiến thức về phòng ngừa bệnh, chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật giúp gà khỏe, mau lớn, bà Huyền còn sử dụng thành thục kỹ thuật “úm” gà con được học nên luôn chủ động nguồn giống.
Nhờ vậy, các lứa gà được gia đình bà đưa vào gối nhau với tần suất 1,5 - 2 tháng một lứa. Quy mô tuy không lớn nhưng tháng nào gia đình bà cũng có gà đến tuổi xuất chuồng tạo thu nhập ổn định.
... mà còn biết cả kỹ thuật úm gà con đạt chất lượng để phục vụ cho cơ sở của mình.
Đối với ông Lê Văn Dương (58 tuổi, ở thôn Xuân Tây, Hộ Độ) thì lớp học nghề về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, nằm trong chương trình đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động ở các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển thời gian vừa qua có ý nghĩa rất đặc biệt.
Ông Dương hào hứng chia sẻ: “Trước đây chưa tham gia lớp học, tôi luôn bị động trong việc nuôi tôm của mình. Tuy bỏ ra một số tiền lớn để đào ao, sắm trang thiết bị, mua con giống nhưng kết quả tùy vào may rủi. Từ chỗ không biết thế nào là tôm bị bệnh, thế nào là nước có vấn đề thì nay, tôi đã tự mình nhận biết và có thể xử lý nồng độ kiềm, nồng độ PH và các tình huống bệnh khác của tôm... nếu xẩy ra sự cố”.
Ông Lê Văn Dương - chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hộ Độ (Lộc Hà)
Nhờ áp dụng kiến thức nuôi tôm qua lớp đào tạo nghề vào công việc của mình, ông Lê Văn Dương đã tự tin, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất. Hiện ông có diện tích nuôi tôm rộng 1 ha với 4 hồ nuôi. Vụ tôm cuối năm 2019 này, ông thả 3 hồ với số lượng hơn 81 vạn con giống. Vào thời điểm này, tôm đang phát triển tốt, dự kiến đến cận tết sẽ thu hoạch với sản lượng ước khoảng 7 tấn, doanh thu đạt trên 1,6 tỉ đồng.
Sau khi được tham gia các lớp học nghề, nhiều hộ nông dân ở Lộc Hà đã có sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc). Nhờ tham gia lớp kỹ thuật chế biến món ăn, chị Thanh đã nâng cao tay nghề của mình để chuyển đổi sang nghề làm cỗ bàn phục vụ tiệc đám cưới, liên hoan rất có uy tín tại địa phương.
Lớp đào tạo nghề pha chế phục vụ khách sạn, nhà hàng năm 2019 tại xã Thạch Kim
Ngoài ra, hàng nghìn lao động khác ở các xã Thạch Kim, Thạch Bằng, Mai Phụ... sau khi được đào tạo nghề hoặc đã tìm được việc làm ổn định ở các nhà hàng, doanh nghiệp, hoặc đi xuất khẩu ở diện lao động có tay nghề lương cao và ổn định.
Ông Trương Thanh Cung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hộ Độ cho biết: “Nhờ những lớp đào tạo nghề mà nhiều nông dân trong xã chúng tôi đã tìm thấy cơ hội mới cho cuộc sống của mình"
Sau 10 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg,ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính Phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay huyện Lộc Hà đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 1.849 lao động trên địa bàn. Trong đó, nghề về nông nghiệp chiếm tỉ lệ khoảng 70%. 3 năm thực hiện chương trình đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động vùng bị ảnh hưởng sự số môi trường biển (2017 - 2019), địa phương này cũng đã đào tạo chuyển đổi nghề cho hơn 1.600 lao động. Tỉ lệ lao động sau khi được đào tạo có việc làm ổn định đạt hơn 80%. |