Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Bức tranh FDI 2018
Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong năm 2017 giảm 23% xuống 1.430 tỷ USD, so với mức 1.870 tỷ USD của năm 2016. Sự sụt giảm của FDI là mối lo ngại lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Hệ quả của sự sụt giảm đầu tư là hoạt động mở rộng sản xuất quốc tế chậm lại, qua đó tác động tiêu cực đến triển vọng của các nước đang phát triển đang nỗ lực thu hút đầu tư nâng cao công suất sản xuất.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết FDI toàn cầu trong quý 1/2018 giảm xuống còn 136 tỷ USD so với mức 242 tỷ USD trong quý trước, do chính sách cải cách thuế của Mỹ.
Công ty tư vấn và nghiên cứu Rhodium Group cho biết các khoản đầu tư và mua sắm của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm 92% trong 5 tháng đầu năm nay xuống 1,8 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định động thái áp thuế và trả đũa về thuế giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động nghiêm trọng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Theo giới quan sát, không chỉ Trung Quốc, dòng vốn đầu tư từ các nước khác vào Mỹ cũng sẽ sụt giảm, do lo ngại về “chiến tranh thương mại” và sự thiếu chắn chắn trong chính sách của Washington.
Một số chuyên gia lưu ý có nhiều lý do khiến FDI sụt giảm, trong đó phải kể đến tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, chủ trương bảo hộ và chính sách giảm đầu tư. Những vấn đề này khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp tỏ ra cẩn trọng hơn trước khi mua tài sản ở nước ngoài. Thêm vào đó, tranh chấp thương mại cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn cho việc lên kế hoạch đầu tư, nhất là đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, sẽ có nhiều doanh nghiệp “an phận” ở lại quê hương.
Thilo Hanemann, Giám đốc của Rhodium Group, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cả cơ hội kinh tế lẫn sự ổn định về chính trị. Do đó, sự thiếu chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết chỉ trong một tuần của tháng Tám, các nhà đầu tư đã rút 1,3 tỷ USD khỏi thị trường cổ phiếu và 100 triệu USD từ thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế mới nổi. Điều này diễn ra giữa bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, chiến tranh thương mại trên quy mô toàn cầu, sự tăng giá của đồng USD, tỷ lệ lãi suất tăng và chi phí nhiên liệu cao hơn.
“Những tấm gương” về thu hút FDI
Nhà quản lý Courtney McCaffrey, thuộc hãng tư vấn AT Kearney, nhận định những năm gần đây, các nhà đầu tư thường chú ý nhiều hơn đến các yếu tố về quản lý và quy định. Do đó, các quốc gia muốn thu hút thêm FDI có thể tập trung vào vấn đề quản lý để nâng cao thế mạnh cạnh tranh, như cải thiện mức độ an ninh trong hoạt động của quốc gia, cải cách quy định về doanh nghiệp, cơ chế giải quyết tranh chấp và giảm thuế doanh nghiệp.
Trong danh sách các quốc gia đứng hàng đầu thế giới về thu hút FDI phải kể đến Singapore. Mặc dù không sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên nào, song quốc đảo này được đánh giá là quốc gia vô cùng thân thiện với doanh nghiệp, khi xếp thứ hai trong bảng xếp hạng “Dễ Kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) và đang giữ vị thế là một trong những trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất thế giới. Singapore là “cánh cửa” bước vào châu Á của các nhà đầu tư phương Tây. Theo các chuyên gia, sự ổn định chính trị, lĩnh vực tài chính phát triển ở mức độ cao, hệ thống luật pháp chặt chẽ và chính sách thuế nhiều ưu đãi là những nhân tố khiến “quốc đảo Sư tử” trở thành điểm thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Nhìn sang châu Âu, Hà Lan cũng góp mặtp trong danh sách các quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Không chỉ sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển và lực lượng lao động chất lượng cao, Hà Lan còn điều hành một nền kinh tế năng động, với nhiều lĩnh vực “tràn đầy sức sống” như kinh doanh nông sản, công nghệ thông tin, hóa chất, máy móc, thương mại, viễn thông và môi giới tài chính. Thêm vào đó, hệ thống thuế ưu việt cũng là một lợi điểm quan trọng giúp quốc gia này thu hút FDI. Hugo Peek, một nhà quản lý tại AMRO Corporate & Institutional Banking, cho biết nhiều công ty hiện lo ngại về sự gia tăng thủ tục phiền hà do sự biến mất của nhiều thỏa thuận thương mại, đang cân nhắc chuyển hoạt động kinh doanh đến Hà Lan.
Ngoài Hà Lan, Ireland cũng là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư, nhờ hệ thống thuế nhiều ưu đãi. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng có điểm hấp dẫn riêng, với lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt, nói thành thạo tiếng Anh, nhưng chi phí lao động lại thấp hơn so với các nước phương Tây. Một quốc gia cũng cần nhắc tới là Bồ Đào Nha. Năm 2009, quốc gia này đã thông qua một chương trình cải cách thuế, qua đó giúp Lisbon và Porto trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ và sáng tạo. Theo khảo sát của Ernst & Young, 62% các nhà đầu tư được hỏi đều nhận thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của Bồ Đào Nha.
Nhìn sang châu Phi, Ghana là quốc gia duy nhất tại “lục địa đen” nằm trong danh sách 10 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Mặc dù được biết đến là quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới, song vàng vẫn được coi là sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Đáng chú ý, việc phát hiện dự trữ dầu quan trọng ngoài khơi năm 2007 đã giúp thay đổi tình hình đầu tư. Nhiều công ty châu Âu đã đổ tiền vào quốc gia này trong lĩnh vực khai thác dầu khí. JP Morgan nhận định Ghana sẽ đóng góp vào sự phát triển của châu Phi./.