Co.opBank Hà Tĩnh trở thành "bà đỡ" cho các QTDND trong công tác điều hòa vốn và mở rộng các dịch vụ ngân hàng
Thiên Cầm bắt đầu vào mùa cao điểm kinh doanh du lịch. Năm nay, khách sạn Sao Mai (thuộc Công ty TNHH Hải Âu Rising) đầu tư lại toàn bộ nội thất để “nâng hạng”, thu hút khách hàng về nghỉ dưỡng.
Giám đốc Công ty Nguyễn Trọng Tỏa cho hay: “Năm nào cứ đầu vụ du lịch, chúng tôi cũng cần một nguồn vốn nhất định để bảo dưỡng, tu sửa lại cơ sở vật chất. Với những nguồn vốn mùa vụ như vậy, tìm vay ở ngân hàng sẽ rất nhiều thủ tục trong khi với quỹ TDND thì giải quyết nhanh, đáp ứng nhu cầu dù là món vay rất nhỏ”.
Theo ông Tỏa, doanh thu của khách sạn và nhà hàng đạt 5-6 tỷ đồng mỗi năm. Vào thời điểm kinh doanh “nhàn rỗi”, ông lại gửi tiền vào quỹ như một kênh đầu tư hiệu quả.
Ở 2 xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), những năm gần đây đã không còn lạ lẫm với hình ảnh những "ông chủ lớn" chi tiền tỷ vào hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, đầu tư tàu dịch vụ, tàu đi biển. Trong đó, có nhiều tỉ đồng tiền vốn được huy động từ quỹ TDND.
Quỹ TDND Nhượng Lĩnh là địa chỉ tín dụng tin cậy của người dân địa phương
Ông Nguyễn Tiến Cường (thôn Hải Bắc, Cẩm Nhượng), nếu tính doanh số vốn vay từ Quỹ TDND Nhượng Lĩnh cũng phải lên đến 6 - 7 tỷ đồng. Ông đầu tư vào tàu dịch vụ, trở thành đầu mối thu mua lớn trên biển. “Ngày càng nhiều tàu vào biển Cẩm Nhượng, điều đó cũng đòi hỏi chúng tôi cần thêm nguồn vốn để đầu tư, giữ mối hàng và phát triển kinh doanh”.
Nhờ trợ lực vốn từ Ngân hàng Co.opBank Hà Tĩnh, những khó khăn về nguồn vốn của quỹ được giải quyết. Ông Nguyễn Tiến Tâm - Giám đốc Quỹ TDND Nhượng Lĩnh, cho biết: Quỹ đã phát huy lợi thế, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho thành viên và người dân nông thôn trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Việc được tiếp nhận điều hòa vốn từ Co.opBank Hà Tĩnh giúp quỹ chủ động hơn về hạn mức cho vay, nhất là vào giai đoạn cao điểm SXKD của thành viên.
Điều này giúp đảm bảo thanh khoản và mở rộng tín dụng tốt hơn. Riêng năm 2018, tổng nguồn huy động của quỹ đạt trên 93 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 85 tỷ đồng, tăng 19% so với một năm trước đó. Hiện nay, quỹ được Co.opBank Hà Tĩnh tương trợ cho vay hợp vốn trên 1 tỷ đồng và các dự án 2,6 tỷ đồng.
Có trợ lực từ Co.opBank, các QTDND có thêm nguồn lực để tập trung vốn cho vay thành viên phát triển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Hơn 1 năm hoạt động trên địa bàn, Co.opBank Hà Tĩnh với vai trò đầu mối điều hòa vốn đã giúp các quỹ TDND giảm được áp lực về thiếu vốn - thừa vốn, tăng cường tính liên kết, an toàn của hệ thống. Bên cạnh đó, trở thành sợi dây kết nối và hỗ trợ các quỹ TDND trong công tác huy động vốn, triển khai các sản phẩm cho vay đồng tài trợ, cho vay liên kết nhằm giúp các quỹ mở rộng thị phần tín dụng và xây dựng thương hiệu lâu dài.
Ông Đoàn Trọng Huấn - Giám đốc Chi nhánh Co.opBank Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn vốn đầu tư 100% cho nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo đủ nguồn vốn cho người dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hạn chế thấp nhất việc vay vốn ngoài ngân hàng, tín dụng đen. Chi nhánh một mặt điều hòa vốn cho các quỹ TDND cả vốn vay và gửi, mặt khác phát triển các dịch vụ mới như phát hành thẻ, cho vay hợp vốn.., tạo điểm tựa vững chắc cho quỹ TDND. Bên cạnh đó, thường xuyên hỗ trợ đào tạo, giám sát quỹ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả dòng vốn tại các địa phương”.
Cuối năm ngoái, dư nợ vay ngân hàng hợp tác của các quỹ đạt trên 382 tỷ đồng, nguồn dư nợ này tiếp tục được mở rộng vào những tháng đầu 2019. Với vai trò “bà đỡ” của Ngân hàng HTX, “sức khỏe” của quỹ TDND đang tiếp tục được “bồi dưỡng” để lớn mạnh trong thị trường tài chính sôi động hiện nay.