Cánh đồng dưa bát ngát này, trước đây là bãi đất bỏ hoang do sản xuất kém hiệu quả.
Cánh đồng Cồn của thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân (7 ha) là một vùng đất cao cạn quanh năm. Đây từng là vùng đất sản xuất hoa màu nhưng do hiệu quả thấp nên dần trở thành cánh đồng hoang.
Nhận thấy vùng đất này có thể cải tạo để trồng dưa hấu, năm 2022, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ánh ở thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) đã mạnh dạn mượn đất, đầu tư trồng thử 3 sào dưa hấu và đã cho kết quả tốt.
Với kết quả đó, vợ chồng anh đã thuê lại đất để đầu tư làm ăn lớn với hình thức trả tiền đất hàng năm (4 triệu đồng/ha). Ngay sau khi có hợp đồng thuê đất, anh Ánh đã bắt tay ngay vào việc quy hoạch cải tạo lại mặt bằng, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu và làm đất, chọn giống…
Để đảm bảo yêu cầu về tiến độ sản xuất, gia đình đã đầu tư 2 chiếc máy cày đa chức năng, vừa phục vụ làm đất vừa đảm bảo vận chuyển sản phẩm từ ruộng về kho tập kết.
Các loại dưa giống mới được anh Ánh sử dụng, cho quả to, đều, ruột đỏ tươi, ít hạt, mỏng vỏ và có vị ngọt đậm.
Vụ dưa năm nay, anh Ánh xuống giống từ tháng 2/2023, trên toàn bộ diện tích 7 ha, với 2 loại giống dưa chất lượng cao: Apolo và giống siêu quả Fancy 555. Để thường xuyên có sản phẩm xuất bán, anh Ánh chia đất ra 2 thửa và sản xuất luân canh.
“Cây dưa sinh trưởng và phát triển rất nhanh trên đồng đất này. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, ngoài việc phải xuống giống đúng lịch thời vụ và bón phân đầy đủ, nhất là bón nhiều phân chuồng, thì phải đảm bảo đủ nước cho đất ẩm thường xuyên…”, anh Ánh chia sẻ.
Giống dưa Apolo và giống siêu quả Fancy 555 có thời gian sinh trưởng và phát triển dưới 90 ngày.
Nhờ chọn lựa được nguồn giống tốt, chăm sóc đảm bảo, dưa không những cho quả to, đều mà ruột còn có màu đỏ tươi, ít hạt, mỏng vỏ và có vị ngọt đậm; được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện tại, sản phẩm đã được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tại chân ruộng. Bình quân mỗi ngày, gia đình anh Ánh thu bán được khoảng 20 tấn dưa.
“Các giống dưa Apolo và giống siêu quả Fancy 555 có thời gian sinh trưởng và phát triển khá ngắn. Chỉ sau gần 3 tháng kể từ khi xuống giống đã cho thu hoạch với năng suất 20 - 25 tấn/ha. Với giá bán nhập 8.000 đồng/kg, giá bán lẻ 10.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, mỗi ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây màu khác trước đây”, chị Tô Khánh Vân - vợ anh Nguyễn Văn Ánh, cho biết.
Bình quân mỗi ngày, gia đình anh Ánh thu hoạch được khoảng 20 tấn dưa; sản phẩm được các thương lái thu mua tại chân ruộng.
Ông Nguyễn Văn Đương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tân cho hay: “Kết quả mô hình sản xuất dưa hấu của anh Nguyễn Văn Ánh đã khẳng định, cây dưa hấu rất phù hợp với chất đất và khí hậu tại địa bàn.
Loài cây này không chỉ giúp xóa tình trạng đất hoang hóa, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho gia đình, tạo việc làm cho gần chục lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ. Hiện ở Kỳ Tân đang có khá nhiều diện tích đất cao cạn, kém hiệu quả đối với cây trồng truyền thống. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chuyển đổi và ban hành chính sách khuyến khích sản xuất cây dưa hấu và các loại cây trồng cạn phù hợp. Qua đó, tận dụng và phát huy hết tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.