Trên thửa đất rộng hơn 1.500 m2 của gia đình, tháng 2/2023, anh Lê Ngọc Tin (ở thôn Sơn Nam, xã Cẩm Thịnh) đã triển khai mô hình trồng sâm bố chính. Đây là mô hình trồng sâm bố chính đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên.
Sâm bố chính là một loại cây dược liệu, có nhiều công năng ứng dụng trong các bài thuốc nam chữa các bệnh gan, thận, đại tràng, dạ dày, bồi bổ sức khỏe, lưu thông khí huyết, ngâm rượu, làm nước giải khát... Sau hơn 2 tháng chăm sóc, hiện nay, cây sâm bố chính của gia đình anh Tin phát triển tốt. Hiện, cây đã cho thu hoạch hoa để sử dụng nấu nước uống; có tác dụng hạ huyết áp, an thần, chữa bệnh mất ngủ.
Anh Lê Ngọc Tin chia sẻ: "Bước đầu tôi chỉ mới trồng thử nghiệm 1.000 m2 nhưng thấy loài cây này thích hợp với thổ nhưỡng, đất đai ở vùng đồi nơi đây nên tôi đã nhân rộng thêm 500 m2. Hiện nay, mô hình sâm bố chính của gia đình đang phát triển tốt, dự kiến sau 1 năm sẽ cho thu hoạch củ, 2 năm có thể lấy hạt để nhân giống".
Cũng theo anh Tin, cây sâm bố chính dễ trồng, dễ chăm sóc và có tiềm năng lớn về thị trường tiêu thụ. Sau 1 năm, củ sâm bố chính khi thu hoạch có thể đạt trọng lượng 4 - 5 củ/kg, giá bán dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg.
"Mô hình bước đầu cho thấy nhiều triển vọng nên mới đây Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức cho các hội viên ở thị trấn Cẩm Xuyên đến tham quan, học tập. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích sâm bố chính trong trang trại rộng 9 ha của gia đình" - anh Lê Ngọc Tin cho hay.
Ngoài cây sâm bố chính, hiện nay, trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Ngọc Tin còn “sở hữu” khoảng 5.000 m2 diện tích sả. Loài cây dược liệu này đang cho gia đình anh Tin thu nhập mỗi ngày, bán cho các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Tĩnh.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Ngọc Tin còn trồng hơn 1.000 gốc cam chanh. Hiện, anh chú trọng chăm sóc để thu hoạch lá chanh, lá cam bán tại chợ phiên hằng ngày, tăng thu nhập.
Để phát triển trang trại theo hướng tuần hoàn, gia đình anh Tin xây dựng mô hình nuôi giun quế. Đây là nguồn thức ăn cho gà, phân của giun quế được sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng trong trang trại của gia đình. Cách làm này không chỉ giúp anh Tin tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn tạo ra các sản phẩm theo hướng hữu cơ, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Trương Thị Mẫn - vợ anh Lê Ngọc Tin chia sẻ: "Trang trại tổng hợp của gia đình rộng 9 ha, trong đó có 7 ha keo tràm, còn lại diện tích cây ăn quả và phát triển cây dược liệu. Qua hơn 10 năm xây dựng, đến nay, mô hình đã cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Để phát triển kinh tế, gia đình tôi sẽ tiếp tục tái đầu tư, đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây mới phù hợp với thổ nhưỡng. Hi vọng cây sâm bố chính sẽ cho hiệu quả kinh tế cao".
Mô hình trồng sâm bố chính của gia đình anh Lê Ngọc Tin là mô hình điểm của xã, được Hội Nông dân xã Cẩm Thịnh hỗ trợ 100% cây giống và kết nối về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Từ mô hình của anh Tin, địa phương sẽ tiến hành đánh giá để nhân rộng trên toàn xã theo hướng trồng cây dược liệu với chu trình sản xuất tuần hoàn, trong đó tích hợp: nuôi giun quế, chăn nuôi gà và trồng cây sâm bố chính. Đây là hướng đi bền vững để địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.