Tuyến cáp quang biển Liên Á - IA gặp sự cố lần đầu tiên trong năm nay do lỗi nguồn cấp cho thiết bị tại trạm cập bờ của tuyến cáp ở Singapore. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thông tin nêu trên vừa được đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển Liên Á – IA chia sẻ với ICTnews.
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, thời điểm hiện tại đối tác quốc tế đang chuyển thiết bị, vật tư sang Singapore để xử lý sự cố.
Trước đó, vào ngày 12/1/2019, các ISP đã cho biết, theo thông tin từ Ban quản trị các tuyển cáp biển quốc tế, sáng ngày 10/1, tuyến cáp quang biển Liên Á - IA gặp sự cố lần đầu tiên trong năm nay. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi nguồn cấp cho thiết bị tại trạm cập bờ của tuyến cáp ở Singapore.
Đánh giá về ảnh hưởng của sự cố cáp biển với các ISP, người dùng dịch vụ Internet tại Việt Nam, trong trao đổi với ICTnews vào ngày 13/1, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) Vũ Thế Bình cho biết, khi một trong những tuyến cáp biển từ Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố thì Internet Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc tỷ trọng dung lượng của tuyến cáp đó trên tổng dung lượng các hướng quốc tế, và với từng ISP thì phụ thuộc tỷ lệ sử dụng tuyến cáp đó, và thời lượng cần thiết để phục hồi, ứng cứu sau sự cố.
Theo phân tích của ông Bình, hiện nay, đa số người dùng Internet có sử dụng 3G/4G với smartphone, online nhiều nên khi có sự cố cáp biển thì nhiều nhóm người dùng sẽ cảm nhận được ngay về tốc độ truy cập và băng thông có suy giảm. Chí ít có thể cảm nhận vài trang web quốc tế hoặc một hai ứng dụng thấy “chập chờn”, và có tính thời điểm.
“Lần tuyến cáp quang biển Liên Á gặp sự cố vừa qua theo quan sát của chúng tôi thì có ảnh hưởng đến tốc độ truy cập Internet, nhưng chưa phải vấn đề lớn và các ISP liên quan đã và đang tích cực bù đắp phần băng thông thiếu hụt qua hướng đất liền và các hướng cáp biển còn lại”, ông Bình chia sẻ.
Ngay trước đó, đại diện VNPT, CMC, NetNam đều cho biết do dung lượng sử dụng trên tuyến cáp biển IA nhỏ nên chất lượng dịch vụ Internet đi quốc tế các nhà mạng này cung cấp cho khách hàng hầu như không bị ảnh hưởng.
Riêng với Viettel, ngay sau khi sự cố xảy ra, nhà mạng này đã tiến hành các giải pháp kỹ thuật, định tuyến lại hướng kết nối cho khách hàng qua các tuyến cáp biển khác đang hoạt động bình thường như AAG, APG, AAE-1 và các tuyến đất liền qua Trung Quốc.
Đồng thời Viettel đã bổ sung thêm 100Gbps đối với hướng cáp biển AAE-1 và đang tiếp tục phối hợp với các đối tác để tăng cường thêm tài nguyên cho các hướng còn lại nhằm đảm bảo chất lượng kết nối không chỉ cho khách hàng Viettel mà cho cả các doanh nghiệp, nhà mạng khác đang thuê kênh kết nối quốc tế của Viettel.