Thăm trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao tại xã Tùng Ảnh của TS. Phạm Quang Tùng (áo xanh rêu bên trái,) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn mong muốn mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương.
Năm 2016, trong chuyến đi công tác nghiên cứu thị trường nông sản tại Hà Tinh, TS. Phạm Quang Tùng (SN 1976) công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã về thăm nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình tại xã Tùng Ảnh.
Tại đây, qua gặp gỡ và trao đổi với nhiều hộ dân trồng cây ăn quả, anh nhận thấy các loại cây trồng đều phát triển tốt và đặc biệt là loài cây có múi như bưởi Diễn, cam. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân còn làm tự phát, chưa theo quy trình kỹ thuật, chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Ngay sau đó, qua các cuộc trao đổi, TS. Phạm Quang Tùng đã hướng dẫn bà con nông dân quy trình kỹ thuật áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hướng tới một nền nông nghiệp sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời tư vấn, phân tích hiệu quả kinh tế từ các loại cây trồng có múi tới bà con nông dân.
Các giống bưởi Diễn và bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận cây đầu dòng và được bảo hộ chất lượng cây giống được cung ứng cho bà con nông dân tại trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Tùng Ảnh
Để minh chứng cho những loại cây có múi có thể thích nghi với đất đai và khí hậu khắc nghiệt tại Hà Tĩnh, TS. Phạm Quang Tùng đã được UBND xã Tùng Ảnh cho đấu thầu lại một quả đồi bỏ hoang với diện tích 4ha trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ hóa và áp dụng công nghệ cao.
Sau một thời gian mày mò, anh đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ điều hành 4.0 vào sản xuất cho mô hình thông qua điện thoại di động. Ứng dụng sẽ ghi nhận và cập nhật đến tất cả các chỉ số liên quan đến sự sinh trưởng, phát triển của cây như: Mật độ ánh sáng, độ chua của đất, chất dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm.... Các thiết bị đều có gắn cảm biến và điều khiển từ xa qua hệ thống camera có khả năng tự vận hành, ngay cả khi chủ nhân ở cách trang trại hàng trăm km.
Vì vậy, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, hoặc bất cứ nơi đâu, chủ trang trại vẫn điều hành và quản lý tốt hoạt động sản xuất tại quê nhà.
Từ một quả đồi trọc bị bỏ hoang do cằn cỗi, nay là trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao sử dụng công nghệ 4.0 bắt đầu xanh tốt
Vậy là sau hơn 3 năm cật lực thuê nhân công làm việc, trang trại với hơn 2.000 cây ăn quả tổng hợp gồm: Cam, bưởi, nhãn, mít Thái Lan, chuối tiêu hồng…, tổng số vốn đầu tư ban đầu gần 2 tỷ đồng đã bắt đầu xanh tốt ngay trên mảnh đất cằn cỗi, ngổn ngang đá sỏi.
Cùng với tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại chỗ, trang trại của TS. Phạm Quang Tùng còn sẵn sàng cung ứng cây giống có chất lượng từ Viện Nghiên cứu và bảo tồn động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (cây có nguồn gốc, chỉ dẩn địa lý). Cây trồng từ mô hình được bảo hộ, ghi chép và tư vấn đến khi cây đơm hoa kết trái và tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện nay đã có hai mô hình lớn ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn quả. Kết quả cho thấy đã giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường.
Những mô hình này đang mở ra triển vọng mới cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng và đặc biệt quan trọng là đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.