Nhà màng với diện tích 2.000 m2 phục vụ mô hình trồng dưa lưới của chị Nguyễn Thị Hạnh.
Mô hình của chị Nguyễn Thị Hạnh có 2 nhà màng với diện tích 2.000 m2 được bố trí trên 2 dãy nhà; khung nhà làm bằng thép chịu lực, hệ thống chằng chống bão chịu được sức gió mạnh cấp 10 - 11; màng lợp được nhập khẩu từ Israel có khả năng chống chịu được thời tiết nắng nóng, mưa, gió bão và dễ dàng tháo dỡ, hạn chế rủi ro do thiên tai.
Mô hình có hệ thống quạt thông gió, hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động, ống dẫn đến que cắm tưới nhỏ giọt theo thực tế từng loại phân bón đơn hay kép nhằm giảm tối đa công lao động.
Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, vườn dưa lưới ở huyện miền núi Hương Khê vẫn xanh tươi, trĩu quả.
Đầu tháng 4/2021, khi hoàn thành xây dựng cơ sở vật chất, gia đình chị Hạnh đã gieo 2 giống dưa TL03 và dưa Inthanol. Đây cũng là thời điểm nắng nóng, có thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C. Đến nay, sau hơn 75 ngày sinh trưởng và phát triển, vườn dưa đã đến vụ thu hoạch và cho kết quả khả quan.
Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ, ở nhà màng thứ nhất dự kiến cho thu hoạch khoảng 2.700 quả/1.000 m2, bình quân trọng lượng đạt từ 1,2 - 1,4 kg/quả, sản lượng khoảng 3,51 tấn; nhà màng thứ 2 khoảng 2.700 quả/1.000 m2, bình quân trọng lượng đạt từ 1,3 - 1,5 kg/quả, sản lượng ước đạt 3,78 tấn. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công, quản lý chỉ đạo kỹ thuật, khấu hao nhà màng, chúng tôi dự tính lãi khoảng 45 triệu đồng.
Vụ sản xuất dưa lưới thứ 2 có thể tận dụng các vật liệu từ vụ trước như túi bầu, xơ dừa từ 50 - 70%, giảm chi phí từ 14 - 20 triệu đồng/vụ/1.000 m2
Sau quá trình đầu tư, chăm sóc, chị Hạnh cho rằng: trồng dưa trong nhà màng đòi hỏi vốn đầu tư cao, kỹ thuật tương đối khó. Tuy nhiên, ở một địa phương có thời tiết khắc nghiệt như Hương Khê thì ứng dụng công nghệ cao sẽ là một hướng đi tất yếu. Ngoài tránh được rủi ro do thời tiết (quá nóng hoặc quá lạnh), nhà màng còn hạn chế được nhiều loại sâu, bệnh đối với cây trồng. Đặc biệt, khi ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất thì hiệu quả kinh tế cũng rất lớn.
Được biết, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Hạnh là mô hình tiên phong áp dụng kỹ thuật theo hướng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện miền núi Hương Khê. Đây cũng là kết quả ban đầu của việc ứng dụng tiến bộ KH&CN nhân rộng mô hình sản xuất dưa lưới, hoa cúc trong nhà màng do Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê thực hiện (Sở KH&CN Hà Tĩnh hỗ trợ).
Dưa lưới có trọng lượng bình quân đạt từ 1,2 - 1,5 kg/quả.
Ông Trần Hoài Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: "Triển khai đề tài, chúng tôi đã khai thác hợp lý thế mạnh đất đai của địa phương vào phát triển kinh tế. Đồng thời, khắc phục được những bất lợi của thời tiết để sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn, có giá trị hàng hóa cung cấp ra thị trường. Theo tính toán, mỗi năm, mô hình của chị Hạnh sẽ sản xuất 2 vụ dưa lưới và 1 vụ hoa cúc, tổng lợi nhuận ước đạt khoảng 150 - 170 triệu đồng/năm trên diện tích 2.000 m2.".
Bên cạnh đó, mô hình dưa lưới trong nhà màng cũng góp phần hạn chế việc sử dụng hóa chất vào sản xuất, giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng là mô hình điểm để người dân trong vùng tham quan học tập, từ đó phát triển mở rộng quy mô, tiến tới tạo thành vùng sản xuất hàng hóa.
Mô hình được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục bám sát, chỉ đạo mô hình trong những vụ tiếp theo, để theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các giống dưa lưới khác nhau. Trên cơ sở đó, đánh giá cụ thể về các giống dưa lưới và đưa ra quy trình sản xuất dưa lưới công nghệ cao phù hợp.