Làng quê Sơn Tân. Ảnh: Huy Tùng
Ngày xưa, cái ngày xưa ấy cũng chưa xa, ta đã từng được nghe bà kể về cây thị thề, nghe bà kể như là nghe một chuyện cổ tích. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa (năm 1425), khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa) chống giặc Minh gặp khó khăn, vua Lê Lợi đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ.
Tại đây, Lê Lợi đã gặp nghĩa quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện vốn đang làm chủ toàn bộ vùng đất Đỗ Gia. Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng hai người lại có chung một chí hướng, kết nghĩa anh em. Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng nhau giết con ngựa trắng lấy máu uống, cắt tóc thề ngay dưới gốc cây thị cổ này…”.
Cây thị 700 tuổi ở xã Sơn Phúc
Hiện nay, tại xã Sơn Phúc (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), cây thị đã bước sang tuổi… 700, cao gần 50m, dưới gốc có chỗ được khoét rỗng ruột, người có thể ẩn nấp bên trong. Cây cứ đứng đó như minh chứng cho lòng trung trinh của người dân Hà Tĩnh vì nước vì non.
Và lớn lên, trong một đêm nhớ quê, ta đã khóc cho mối tình của Đại tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện, một người con của vùng đất Hương Sơn. Ngày đó, Nguyễn Tuấn Thiện nghĩ gì khi cầm nắm hương, uống bát rượu thề cùng Lê Lợi thề nguyền sẽ vì dân vì nước mà quét sạch giặc Minh. Liệu khi ấy trong ông có xuất hiện bóng dáng thướt tha đài các và khuôn mặt đẫm lệ của nàng Quận chúa Huy Chân ngày qua sông Ngàn Phố để kết duyên cùng Lê Lợi. Liệu ánh mắt đó, có phải là nỗi ám ảnh suốt cả một đời trận mạc của ông. Ánh mắt của người con gái ông yêu và cũng tha thiết yêu thương ông… Liệu trong đầu Đại tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện có còn lưu lại những ý nghĩ: So sánh quân lương, ta nào có kém gì Lê Lợi, ta lại có lợi thế ở thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ta có hỏa pháo, còn Lê Lợi thì không... có thể những ý nghĩ, những ám ảnh đó đã đến trước khi ông gặp Lê Lợi và nếu có chăng thì cũng là những ám ảnh thường tình của những con người trọng nghĩa trọng tình trên vùng đất Hà Tĩnh.
Người xưa nói: “Nghệ đa tài, Tĩnh đa tình” quả không sai. Không đa tình mần răng được khi Quận chúa Huy Chân - mối tình đầu đầy hoa mộng của ông đã yên bề gia thất, đã là bà hoàng bà chúa thế mà Đại tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện vẫn một lòng không nguôi ngoai nỗi nhớ, không lập thiếp nạp thê.
Sông Ngàn Phố. Ảnh: Ánh Dương
Lê Lợi mất, Quận chúa Huy Chân cũng về đất Đỗ Gia… Người xưa, cảnh cũ nhưng giờ lại cách xa ngàn trùng khi Quận chúa một lòng hướng Phật. Còn gì hơn, yêu ghét gì hơn, ngang trái gì hơn, và trách tủi gì hơn Nguyễn Tuấn Thiện làm tặng người xưa một am thất để ngày ngày vui cùng kinh kệ. Am ấy ngày nay gọi là chùa Am. Chùa Am giờ vẫn còn ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Rồi trong một đêm mưa gió bão bùng, thoảng đâu đây vẫn tiếng mõ rung nhưng nhịp đập của trái tim người tráng sỹ oai hùng một thuở đã dừng lại. Mây trời kéo về giăng mắc như những tấm voan trắng treo khắp cành cây ngọn cỏ. Sông Ngàn Phố như giải khăn tang quặn mình than khóc vực Nầm. Một người con yêu của vùng Núi Thơm đã ra đi. Năm đó, Nguyễn Tuấn Thiện mới 45 tuổi (1445). Mộ và Nhà thờ Nguyễn Tuấn Thiện ở xã Sơn Ninh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia năm 1994.
Và có phải chăng anh linh của Đại tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện đã soi đường cho Tướng quân Cao Thắng về với Phan Đình Phùng và từ những khẩu súng cướp được của quân Pháp ở giữa dốc Tứ Mĩ (Choi - Sơn Hà, Hương Sơn) Cao Thắng đã cùng nghĩa quân chế tác được những khẩu súng mà người Pháp cũng phải kinh ngạc thốt lên: “Đúng là khi để gần, không thể phân biệt được khẩu súng nào của ta (Pháp) và khẩu súng nào của họ (nghĩa quân)”. Đền thờ Tướng quân Cao Thắng hiện nay ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Khu mộ Đại danh y Lê Hữu Trác (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung). Ảnh: Ánh Dương
Ngày xưa, cái ngày xưa quá vãng đó, đói theo trâu lên rừng xuống ruộng, ta vẫn nhớ những ngày đông mượn bức tường nhà thờ Hải Thượng để tránh rét mà chăn trâu đọc sách. Cái ngày xưa nhỏ bé đó ta chỉ biết rằng Hải Thượng là một ông thầy thuốc cứu dân, một người làm thuốc như mẹ ta, ông ta, mà đâu có biết rằng ngoài tài làm thuốc đạt đến bậc đại danh y, ông còn là một nhà văn, nhà văn hóa, những bài tùy bút, ký sự của ông đã mấy trăm năm rồi vậy mà nay giở ra đọc, ta vẫn thấy lành lạnh sống lưng. Đọc văn của ông, người đọc dễ thấy một điều rằng vốn kiến thức của Người quá thâm sâu, Người biết mười nhưng hình như chỉ mới viết ra một.
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Sơn Trung). Ảnh: Ánh Dương
Làng ta ở trong trập trùng núi non và huyền tích, huyền tích nào cũng đậm chất liêu trai và nặng nghĩa ân tình. Nguyễn Tuấn Thiện thì xây chùa cho người mình yêu tụng kinh niệm Phật, còn Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ngày ra đất kinh kỳ để chữa bệnh cho Chúa, gặp lại người yêu xưa sau tà áo tu hành. Không cầm nổi lòng mình, Lãn Ông mới nói với người xưa đại ý rằng: Tôi thật có lỗi để người phải lánh đời vào đường tu, nay có duyên gặp lại, người có ý nguyện gì với ta không. Người xưa đưa vạt áo nâu chấm khóe mắt mà nói: Thôi thì thôi thế thì thôi, nghe người ta nói, trong vùng người đang ở có nhiều cây mít to, nếu có thể thì tặng nhau một cái săng (quan tài). Chuyến đó từ kinh thành về lại Hương Sơn, Lãn Ông đã gửi ra cho người yêu mình một cỗ quan tài bằng gỗ mít. Phải chăng khi còn sống không được gần gũi, ôm ấp trong vòng tay của nhau, thì khi thác xuống, cỗ quan như vòng tay ấm của người thân yêu nhất gói ta về với đất lạnh dù người đã đi trọn đường tu. Ân tình đến thế thì thôi ân tình.
Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông hiện nay gồm có các quần thể: Quần thể tượng và mộ Hải Thượng Lãn Ông nằm ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Khu thứ hai là chùa Tượng Sơn do mẹ của Hải Thượng Lãn Ông phát tâm xây dựng nằm cách khu tượng và mộ 2 km ở núi Tượng Sơn, sã Sơn Giang, huyện Hương Sơn và Khu di tích nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông nằm cách chùa Tượng Sơn 3 km về hướng Tây, ở xóm Bầu Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn.
Xã Sơn Kim 2 hôm nay. Ảnh: Đậu Bình
Và còn nhiều, nhiều nữa những con người và những chuyện tình yêu trên vùng đất Núi Thơm này, tình yêu và mạch nguồn trí tuệ con người Núi Thơm vẫn mãi còn đó, như dòng sông Ngàn Phố vẫn êm trôi xuôi về với biển dẫu đây đó vẫn còn lắm thác ghềnh. Người Núi Thơm hôm nay vẫn còn nhiều yêu ghét buồn vui như người đời vốn thế, nhưng đọng lại giữa muôn người vẫn là nghĩa tình có trước có sau. Ta tin cái mạch nguồn văn hiến thì mãi còn trường tồn với thế núi hình sông.