Hà Tĩnh không phải là dòng sông yên tĩnh như ý nghĩa của tên gọi đã được đặt từ hàng trăm năm trước. Trái lại, Hà Tĩnh là nơi chịu rất nhiều biến động của thời tiết, khí hậu. Có lẽ, vì phải đương đầu với nắng lửa, mưa chan mà người Hà Tĩnh cũng có tính cách giản dị, mộc mạc, bộc trực, ngay thẳng mà phóng khoáng và rất đậm nghĩa tình. Những “vị” ấy không chỉ thấm vào người mà còn thấm cả vào thiên nhiên, cây cỏ, bể sông, để những sản vật cũng ẩn chứa thật nhiều nét đặc trưng văn hóa.
Rõ ràng nhất và đầy đủ nhất có lẽ là đặc sản cam bù Hương Sơn. Không đơn thuần như một số loại cam khác, cam bù giấu trong nó rất nhiều hương vị. Cam bù chỉ có vào dịp tết. Khi đã thu nhận tất cả cái trong lành của mùa xuân, cái khắc nghiệt của mùa hè và cái dịu mát của mùa thu, cả chút heo may buổi giao mùa nữa, cam bù mới bắt đầu chín. Lá có mùi thơm riêng của lá, quả có mùi thơm riêng của quả. Và từng múi cam là từng đặc trưng văn hóa truyền thống Hà Tĩnh.
Như Huy Cận từng viết: “Tình Xứ Nghệ không mau nhưng bén rồi sâu lắng”, cam bù chính là hiện sinh của cái tình Xứ Nghệ ấy. Với tôi, không có loại đặc sản nào ở Hà Tĩnh lại hợp với câu thơ đó như cam bù. Chính là cái tình đó, cam bù bập vào vị giác đầu tiên là vị chua và phải sau cái rùng mình thì vị ngọt mới đến. Cùng lúc đó, hương thơm của núi rừng cũng ùa về trong vị giác của người thưởng thức. Cam bù kén người ăn nhưng đã ăn thì nhớ mãi. Chẳng thế mà người bạn viết của tôi ở thủ đô năm nào cũng mong ngóng mùa cam. Bạn nói, bạn yêu cái tình sôi nổi mà lắng sâu, đến chậm mà bền chặt của người Hà Tĩnh và bạn tìm được trong vị chua thanh của cam bù cái tình ấy nên bạn cũng nhớ thương mùa cam như người bản xứ.
Xuất phát từ đặc trưng khí hậu và theo cảm nhận của riêng tôi, các đặc sản trái cây của Hà Tĩnh cũng chân thật như lòng người Hà Tĩnh. Bởi thế đều chỉ có một mùa duy nhất chứ không có quanh năm như nhiều loại đặc sản của các vùng khác. Và nếu như cam bù là niềm tự hào của miền núi thơm Hương Sơn thì bưởi Phúc Trạch lại là niềm tự hào của phố núi Hương Khê. Cũng không đơn thuần vị ngọt mát như các giống bưởi Diễn, bưởi da xanh hay Năm Roi, bưởi Phúc Trạch có vị rôn rốt (hơi chua) thêm một chút vị he (the). Người sành ăn cho rằng, vị he đó chính là sự tinh tế trong tâm hồn người Hà Tĩnh. Nó không làm mất đi vị ngọt thanh của bưởi mà làm đậm đà hơn, lưu giữ lâu hơn vị ngọt thơm trong vị giác của người thưởng thức. Đặc biệt, bưởi Phúc Trạch còn có cấu tạo các tép bưởi trong một múi rất đẹp, cũng được cho là hiện sinh của tính cách ngay thẳng trong mỗi một con người Hà Tĩnh.
Xuôi về đồng bằng, ở các con sông Hà Tĩnh cũng có rất nhiều đặc sản nhưng có lẽ lưu dấu nhiều nhất trong lòng du khách chính là hến sông La. Sông La là con sông chảy chậm nên nước sông cũng có tính bình, ngọt và mát. Chính cái đặc trưng ấy đã tạo nên vị ngọt mát trong mỗi con hến. Hến sông La có bốn mùa nhưng ngon nhất là được thưởng thức vào mùa hè. Dù ở trăm phương trời, một trưa hè nào đó những người con lớn lên ở sông La lại văng vẳng bên tai tiếng rao của chị hàng hến và lại “nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về” (Duy Thảo).
Không cầu kỳ chế biến như hến Huế hay hến Xứ Thanh, hến sông La hầu như chỉ được chế biến thành món hến xào giá ăn kèm bánh đa và canh hến nấu hẹ ăn kèm cà pháo. Nhiều người xứ khác không thể ăn nổi những món ăn nấu bằng ruốc bể, ấy vậy mà lại dễ dàng chấp nhận cái văn hóa ẩm thực dùng ruốc làm gia vị của người Hà Tĩnh trong món hến xào. Có lẽ cái vị đậm đà của ruốc bể đã khống chế được cái vị lơ lớ của hến sông, làm món ăn thêm đậm đà hương vị.
Chợ cá Cồn Gò, Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).
Để thương để nhớ trong lòng người nhiều không kém chính là những sản vật biển cả. Hà Tĩnh may mắn sở hữu vùng biển ngang nên cá, tôm và nhất là mực đều thơm và ngọt thịt hơn những vùng biển khác. Hải sản ngon đến độ, khách du lịch bốn phương đều tìm về biển Hà Tĩnh trong những mùa hè nóng nực. Đã quen thuộc với tập tục của các làng biển, nhiều người bạn của tôi đã chọn thuê nhà dân ở miền quê Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) và trải nghiệm cuộc sống cùng ngư dân. Từ sáng sớm, họ ra bãi biển, ra chợ Cồn Gò để cùng “ngước” những con thuyền câu mực, đánh cá trở về. Họ học theo cách chế biến của người dân bản địa, chỉ kho cá với muối và nước lã. Mực thì luộc cùng dăm lát gừng. Ai cũng thừa nhận, đó là cách nấu giữ lại được nhiều nhất hương vị của hải sản.
Cũng từ những sản vật biển cả, từ tập quán sinh hoạt của người dân, các vùng biển của Hà Tĩnh còn có sản phẩm nước mắm truyền thống. Người Hà Tĩnh không quen “màu mè”, chưng diện nên sản phẩm cũng mộc mạc, chân phương. Chưa có nhiều cơ sở đem sản phẩm của mình đi đăng ký thương hiệu, bởi thế mà nước mắm Hà Tĩnh tuy ngon và đậm đà hương biển, bán đi rất nhiều nơi nhưng không nổi tiếng trên thị trường. Chỉ những ai đã nếm, đã ăn thì mới bị “mê hoặc” cái vị ngọt đậm, thơm lừng, để khi trở về rồi vẫn nhung nhớ và tìm cách trở lại.
Sản vật của một vùng đất chính là nơi ngưng tụ, kết tinh những mạch nguồn sâu thẳm từ đất, từ gió, từ đời sống của con người. Những sản vật nổi tiếng của Hà Tĩnh chính là sự hội tụ hồn quê Xứ Nghệ. Trong bất kỳ loại sản vật nào cũng có cái nhuần nhụy, cái ngang ngạnh, cái từ tốn, cái xốc nổi, cái lắng sâu của tính cách con người. Đó cũng chính là nét độc đáo, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người tứ xứ.
ảnh, video: pV - cTV
thiết kế: huy tùng