Ngày 1/11, bác sĩ Hoàng Thanh Hiền, khoa Y học Dân tộc - Vật lý trị liệu, Bệnh viện (BV) Quận 11, TP.HCM cho biết, những ngày qua, nơi đây tiếp nhận một số bệnh nhân bị đau bụng, bí trung đại tiện, buồn nôn.
Qua siêu âm và nội soi, bác sĩ phát hiện các bệnh nhân này bị tắc ruột do bã thức ăn, cụ thể là ăn nhiều trái hồng giòn.
Đây không phải là những trường hợp đầu tiên bị tắc ruột do ăn hồng giòn.
Trước đó, từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11/2014, các bác sĩ của khoa Ngoại tiêu hóa, BV Trung ương Huế phẫu thuật 7 bệnh nhân bị tắc ruột do ăn hồng giòn.
Ngày 30/11/2016, một bệnh nhân sau khi ăn hồng giòn cũng được BV E Trung ương (Hà Nội) phẫu thuật vì bị tắc ruột.
"Không phải ai ăn hồng giòn cũng bị tắc ruột. Các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở những bệnh nhân răng yếu, nhai không kỹ hoặc có bệnh lý ruột - đại tràng, người có tiền sử phẫu thuật ở khu vực bụng và dạ dày. Vì vậy, cần hạn chế cho người già và trẻ nhỏ ăn hồng giòn. Nên đổi sang ăn hồng chín mềm hoặc hồng sấy khô (hồng mứt) để tránh bị nghẹn." - bác sĩ Hiền nói.
Lưu ý khi ăn hồng giòn
Không nên ăn trái hồng lúc bụng đói vì tanin trong trái này dưới tác động của axit dạ dày dễ kết tủa. Hồng giòn tuy ngọt nhưng vẫn còn một lượng tanin trong đó.
Không ăn vỏ trái hồng, nhất là vỏ trái hồng còn xanh vì chứa nhiều tanin.
Không dùng hồng cho những người bị viêm dạ dày mạn, người đã cắt một phần dạ dày.
Không dùng cho người thiếu máu. Ngoài ra, cũng không ăn trái hồng khi uống thuốc có chất sắt.
Bệnh nhân bị tiểu đường cũng nên thận trọng khi sử dụng vì trái hồng chứa 10,8% đường, phần lớn đường disaccharides đơn giản và monosaccharides nên dễ dàng hấp thu vào máu sẽ gây tăng lượng đường trong máu.