Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông lâm nghiệp và môi trường Sơn Hàm (Hương Sơn) hoạt động nhiều năm nay nhưng luôn trong tình trạng “cầm chừng”. Hoạt động trong lĩnh vực cung ứng giống cây trồng với 97 thành viên, song số vốn đóng góp chỉ vẻn vẹn 950 triệu đồng. Điều đáng nói dù sản xuất - kinh doanh thiếu hiệu quả, song HTX không thể chuyển đổi hay mở rộng ngành nghề kinh doanh bởi không đủ khả năng.
Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp và môi trường Sơn Hàm cho hay: “4 năm nay, tình hình sản xuất - kinh doanh của đơn vị luôn chật vật do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án chuyển đổi hoặc mở rộng lĩnh vực hoạt động để kiếm thêm nguồn thu nhưng mọi dự định đều "nằm trên giấy" bởi thiếu vốn. HTX đã nhiều lần đề xuất vay vốn ngân hàng nhưng do không có tài sản thế chấp nên không được chấp thuận”.
Cũng như khối kinh tế tập thể, hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở Hà Tĩnh cũng đang rơi vào cảnh “khát vốn”, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, nông nghiệp... Theo đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao tiêu nông sản ở huyện Đức Thọ, doanh nghiệp nông nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, doanh thu không đáng kể. Đến mùa vụ, muốn tăng khả năng bao tiêu nông sản cũng "bó tay", bởi đơn vị không có tài sản đảm bảo nên không "xoay" ra vốn. Khi “bí” vốn, ban giám đốc doanh nghiệp phải cầm cố tài sản cá nhân để vay vốn ngân hàng, còn không thể tiếp cận tín dụng theo kênh doanh nghiệp.
Được biết, doanh nghiệp của Hà Tĩnh chủ yếu ở quy mô nhỏ, tài sản đảm bảo ít nên hạn mức tín dụng cũng rất hạn chế. Không ít doanh nghiệp cần nhiều vốn đầu tư, song lại không còn tài sản để thế chấp.
Chị Phạm Thị Oanh - Kế toán Công ty CP Tư vấn và Xây dựng HD (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) cho hay: "Đơn vị chuyên xây lắp các công trình trong tỉnh. Tài sản đảm bảo có hạn (hạn mức tín dụng được cấp chỉ từ 5 - 7 tỷ đồng đã sử dụng hết), nên hiện nay muốn vay thêm vốn từ các ngân hàng cũng không được. Khó khăn về nguồn lực nên doanh nghiệp đã bỏ lỡ không ít cơ hội đầu tư”.
Số liệu từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho thấy: Toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đang hoạt động, trong đó có tới 98% doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2023, chỉ có khoảng 41% doanh nghiệp phát sinh thuế, còn khoảng 59% doanh nghiệp không phát sinh thuế.
Ngoài ra, trong số hơn 1.000 HTX, hiện chỉ có trên 12% HTX hoạt động khá tốt, trên 25% HTX hoạt động khá, còn lại hoạt động trung bình, yếu hoặc ngừng hoạt động. Từ đây, cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp, HTX Hà Tĩnh đang rất yếu và đây chính là rào cản lớn trong tiếp cận tín dụng.
Ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Cho vay doanh nghiệp là một thế mạnh của Vietcombank. Tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, đủ điều kiện đều được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn vay đầu tư sản xuất – kinh doanh. Tính đến đầu tháng 4, tổng dư nợ của chi nhánh là 13.682 tỷ đồng, trong đó dư nợ doanh nghiệp là 7.996 tỷ đồng. Hiện nay, lãi suất cho vay của Vietcombank đang ở mức thấp và ổn định trên thị trường. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp, HTX không đủ điều kiện vay vốn do phương án sản xuất - kinh doanh thiếu tính khả thi, chưa đảm bảo nguồn trả nợ do tích lũy về tài sản còn hạn chế”.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, HTX còn hạn chế, ông Lê Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho hay: Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, HTX. Trong đó, ngành ngân hàng đã chủ động các giải pháp kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hạ lãi suất cho vay… Song, nhìn chung, sức hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do “sức khỏe” của doanh nghiệp, HTX Hà Tĩnh còn yếu, đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, tài sản đảm bảo ít hoặc không có tài sản đảm bảo nên rất khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
"Để có thể tiếp cận các gói vay từ tổ chức tín dụng, cộng đồng doanh nghiệp, HTX Hà Tĩnh cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý; xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh khoa học, phù hợp với thực tiễn; cân đối nguồn vốn, tùy theo năng lực tài chính của doanh nghiệp, HTX để quyết định đầu tư; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn lực. Đặc biệt, trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp, HTX cần có ý thức tích lũy tài sản để có điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lê Đức Thắng, qua theo dõi, hiệp hội nhận thấy, mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên sức hấp thụ vốn còn khiêm tốn. Lý do chủ yếu là các gói vay ưu đãi thường yêu cầu các điều kiện khá nghiêm ngặt nên doanh nghiệp cũng “ngại” tiếp cận. Bởi vậy, khi triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu theo hướng thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn để chính sách đi vào thực tiễn, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận các gói vay ưu đãi lãi suất.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, HTX. Các “nhà băng” đã cập nhật khó khăn của các doanh nghiệp, HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… cho doanh nghiệp, HTX. Tuy vậy, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, HTX còn khiêm tốn.
Tính đến cuối tháng 3, dư nợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt khoảng 30.416 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,62% tổng dư nợ toàn địa bàn.