Hà Tĩnh hiện có 2.514 tàu, trong đó, 83 tàu từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi, 292 tàu từ 12m - dưới 15m hoạt động vùng lộng, 2.139 tàu từ 6m - dưới 12m hoạt động vùng ven bờ (chiếm trên 70%). Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh ước đạt trên 35.000 tấn, riêng sản lượng từ tàu đánh vùng khơi chiếm khoảng 23% (trên 7.500 tấn).
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT chỉ ra trong đợt kiểm tra tại Hà Tĩnh vào ngày 12/1/2024, sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được theo dõi, giám sát còn đạt rất thấp, đặc biệt, giám sát sản lượng khai thác tại cảng cá chỉ mới đạt khoảng 8 - 9% so với tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Trong khi đó, việc giám sát, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá là một nội dung quan trọng phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Tại cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà), đến hết tháng 6/2024, cảng cá đón 2.743 lượt tàu nội tỉnh, trong đó có 118 lượt tàu trên 15m. Ban Quản lý các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh đã thực hiện giám sát 100% sản lượng đối với 470 tấn thủy sản nội tỉnh được bốc dỡ từ các tàu này thông qua báo cáo nhật ký hành trình của từng chuyến khai thác và thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đây là một con số rất khiêm tốn so với tổng sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh tính trong 6 tháng đầu năm (gần 22.000 tấn).
Lý giải về thực trạng này, ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh thông tin : “Hiện nay, Hà Tĩnh có 2 cảng cá (cảng cá Xuân Hội, cảng cá Thạch Kim). Theo quy định của Luật Thủy sản, các tàu cá cập cảng sẽ được thực hiện giám sát sản lượng. Thời gian qua, Ban đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giám sát sản lượng của các tàu cá cập cảng. Tuy nhiên, ngoài các tàu trên 15m bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định thì các tàu dưới 15m của tỉnh ta ít vào cảng, chủ yếu ra vào bến tự phát, bến truyền thống, bãi ngang tại các huyện ven biển để buôn bán, bốc dỡ hải sản nên rất khó để thực hiện việc giám sát sản lượng”.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, hiện tại, toàn tỉnh có 2 cảng cá, 4 âu trú bão (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu) đang vận hành khai thác. Hầu hết các công trình sau nhiều năm sử dụng đã lạc hậu, các luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền công suất lớn khó cập cảng; chưa đáp ứng được yêu cầu về chống khai thác IUU trong kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng.
Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh được theo dõi, giám sát tại cảng cá còn đạt thấp. Ngoài ra, việc ghi chép, giao nộp nhật ký khai thác của ngư dân vẫn có những hạn chế nên khi giám sát còn chênh lệch giữa sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế so với sản lượng khai báo trên nhật ký.
Trong lúc quá trình thực hiện tại cảng còn hạn chế thì việc giám sát sản lượng khai thác thủy sản tại địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn. Huyện Kỳ Anh có 221 tàu cá đang hoạt động; sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 3.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương này cũng chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để theo dõi sản lượng khai thác từ các tàu cá cập các bến này.
“Địa phương thuộc vùng bãi ngang, chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, đánh bắt vùng ven bờ. Hoạt động giao thương buôn bán được ngư dân, tiểu thương tổ chức ở các bến cá nhỏ lẻ, tự phát. Huyện đã giao các địa phương có các bến cá kiểm tra, giám sát sản lượng nhưng hạ tầng không đảm bảo, nguồn lực hạn chế, lực lượng chuyên môn thiếu nên việc này rất khó để thực hiện bài bản”, ông Phan Công Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh thông tin.
Trước thực trạng này, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động nghề cá, Hà Tĩnh đang tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Theo đó, hiện nay, cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) đáp ứng quy mô cảng cá cấp II với các tàu công suất 400CV cập cảng, năng lực cập tàu đạt 100 lượt/ngày, lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm. Dự án đã hoàn thành 40% khối lượng, phấn đấu bàn giao sử dụng vào cuối năm nay.
Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vừa khởi công với nhiều hạng mục quan trọng, hướng tới mục tiêu đáp ứng tiêu chí cảng loại II. Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu tập trung thực hiện.
"Những dự án này được triển khai sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh; đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, nâng cao tỷ lệ sản lượng thủy sản được giám sát qua cảng; tháo gỡ "thẻ vàng"; phòng chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC", ông Nguyễn Bùi Thanh Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho các huyện, thị xã tại nơi có bãi ngang, bến cá tự phát nâng cao quản lý và cập nhật thường xuyên sản lượng khai thác được bốc dỡ của tàu, thuyền nhỏ khi cập bến.
Hà Tĩnh cũng giám sát thường xuyên, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định; thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Đồng thời, bố trí đủ nhân lực tại cảng cá và Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tàu cá.