Nữ doanh nhân Lê Thị Bích
Tôi từng đọc rất nhiều bài thơ của Bích Nhã Kỳ nhưng bài khiến tôi cảm động nhất là “Viết cho mẹ ngày doanh nhân”. Không có một cái tựa mỹ miều như những bài thơ tình của chị nhưng chính sự mộc mạc, giản đơn đó lại chạm cảm xúc của rất nhiều người. Vì bài thơ khá dài nên trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin trích ra những câu tâm đắc nhất.
Bài thơ bắt đầu bằng một giả thuyết, dẫu có phần ngập ngừng nhưng đã phản ánh nỗi niềm thực sự của tác giả: “Nếu được bắt đầu chọn lại một nghề riêng/ Để mẹ bớt âu lo những đêm dài suy nghĩ”. Sự xúc động của bài thơ chính là ở nguyên cớ mà tác giả đưa ra giả thuyết. Đó không phải là bất kỳ điều gì khác mà là vì những “âu lo” của mẹ.
Những chuyến đi công tác nước ngoài...
Trên hành trình chèo lái mỏi mệt của một nữ doanh nhân bao giờ cũng có bóng dáng người mẹ với những lo toan thầm lặng. Bích đã nói điều đó một cách tự nhiên nhưng thật xúc động và cũng thật hạnh phúc.
Khi đã mở lời với mẹ, bao nhiêu tâm tư cũng theo nhau ùa ra. Tuy không nức nở nhưng thật đau đáu, thật xót xa: “Là doanh nhân nghĩa là gì hả mẹ?/ Nghe thật cao sang nhưng không hết nhọc nhằn/ Là mỗi bước chân con phải nhanh hơn để bắt đầu con sóng/ Với trái tim rất đỗi kiên cường”, “Là con, vắt kiệt mình sau tuổi thanh xuân/ Rằng đúng - sai với đầy cơn lý lẽ/ Mà đếm đong cho đủ nghĩa chân tình”.
Và nữa, trong “cơn sóng” tự sự trào lên trong lòng, Bích Nhã Kỳ đã tự hỏi để tự trách mình: “Là doanh nhân nghĩa là gì hả mẹ?/ Chữ hiếu chưa tròn khi lo giữ cái chung”.
...Những buổi truyền lửa cho giới trẻ, đã khiến Bích phải hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống riêng tư
Với vai trò của phó giám đốc một công ty chuyên về du học, Lê Thị Bích nổi tiếng là người truyền lửa cho giới trẻ và với trái tim nhân hậu, Lê Thị Bích cũng là một người bận rộn với công tác thiện nguyện. Khi đảm đương những công việc như thế, buộc lòng cô phải hy sinh tình riêng. Không chỉ với mẹ mà với gia đình, con cái cũng không được vẹn toàn.
Những nỗi niềm ấy luôn được cất giấu rất kỹ. Nhưng trong dòng tâm tưởng với mẹ, tất cả bỗng òa vỡ. Không một từ nào nói về nước mắt nhưng ta như nhìn thấy giọt nước mắt tấm tức của một nữ doanh nhân: “Là doanh nhân nghĩa là gì hả mẹ?/ Đón con tan trường bữa có bữa không/ Giấc ngủ các con vắng bàn tay mẹ/ Bếp lửa gia đình những đêm đông lạnh lẽo/ Thiếu ánh hồng khi con phải đi xa”.
Trong sâu thẳm lòng mình, cô vẫn luôn dành tình yêu thương nồng ấm cho gia đình 2 bên nội ngoại
Bích Nhã Kỳ còn kể với mẹ rất nhiều nữa những nỗi niềm sâu kín, những được mất của một đời doanh nhân. Và trong cao trào cảm xúc của mình, có lẽ nước mắt chị đã rơi trên đầu bút khi nghĩ về sự cảm thông của mẹ dành cho mình.
Và chính vì những cảm nhận sâu sắc về tình mẹ ấy, chị lại mạnh mẽ nói rằng: “Con vẫn chọn nghề đi giữa bão giông/ Canh cánh hiểm nguy chèo ra biển lớn/ Nhưng con tin ngày mai sẽ nắng/ Bởi quê nhà con có một yêu thương”.
Bằng bút pháp đầy tính tự sự, bài thơ “Viết cho mẹ ngày doanh nhân” là tiếng nói tâm tình mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành của một nữ doanh nhân dành cho mẹ.
Qua đó, độc giả cũng được biết thêm một phương diện nữa trong tình yêu bao la của những người mẹ dành cho con cái của mình. Để thấy rằng “Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con” (Con cò - Chế Lan Viên).