Sáng 25/2, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội nghị quốc tế “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự hội nghị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phát triển và tăng trưởng mạnh trong thời gian qua tại Việt Nam đã đi kèm với những hậu quả nhất định, tạo ra gánh nặng lớn về môi trường. Ô nhiễm nước và không khí, mất rừng, xói mòn đất đe dọa sự bền vững và thịnh vượng. Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Việt Nam đang ứng phó với tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ những khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện hoặc không nhận được đủ hỗ trợ gặp phải khó khăn nghiêm trọng về sinh kế, đặc biệt là các lao động di cư.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức chiến lược trước mắt: giải quyết những tác động môi trường của tăng trưởng kinh tế gây nên (nguy cơ liên quan tới khí hậu, thiên tai, môi trường, sức khỏe, suy thoái tài nguyên…).
Đồng thời, đảm bảo quá trình tăng trưởng toàn diện và bền vững, bao gồm kết hợp các khung pháp lý và thực thi chính sách để bảo vệ các nhóm yếu thế, tiếp cận công bằng đối với các cơ hội kinh tế và dịch vụ để không ai bỏ lại phía sau, xây dựng một xã hội công bằng.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Ưu tiên các dự án đầu tư bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng; nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, bao gồm việc thông qua thúc đẩy hệ thống sản xuất, các thương hiệu sản phẩm với điểm nhấn sử dụng ít các-bon, tăng cường đổi mới sáng tạo và đào tạo kỹ năng của cách mạng công nghiệp 4.0…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã thông tin một số nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Đối diện với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử và đã tiêm gần 200 triệu liều vắc-xin cho người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh
Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới, mở cửa trở lại các chuyến bay thương mại với các nước; tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội; xây dựng nhiều chính sách về tăng trưởng xanh và bền vững; hiện thực hóa các cam kết về mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng mong muốn các chuyên gia, tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ về tầm nhìn, kinh nghiệm quốc tế trong việc phục hồi kinh tế - xã hội xanh, bền vững, bao trùm, từ đó rút ra các bài học, đề xuất các giải pháp tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, ưu tiên của Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu là đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, học giả, các phòng thương mại, UBND các tỉnh... thảo luận tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ về các lựa chọn chính sách, các kinh nghiệm thành công quốc tế và những phương án hoạch định chính sách tiềm năng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với đó, chia sẻ về các điểm yếu, thách thức và bất cập nguồn lực mà Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn; trao đổi quan điểm và ý tưởng để giúp đồng bộ các chiến lược và kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ tại COP26 (Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu (cả trực tuyến và trực tiếp), bao gồm các bộ ngành, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, học giả, các phòng thương mại, UBND các tỉnh, đại sứ các nước, các đối tác phát triển... Hội nghị lần này nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan chia sẻ tầm nhìn, thực tiễn điển hình liên quan tới kích thích kinh tế xanh, phục hồi kinh tế sau COVID-19, khí hậu, kinh tế tuần hoàn, quản trị bao trùm. |