Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

(Baohatinh.vn) - Mong muốn sản xuất miến sạch từ hạt gạo của quê nhà, vợ chồng anh Thái Quốc Việt (SN 1976) và chị Triệu Thị Kiên (SN 1983, trú tại tổ dân phố 6, phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã mở rộng đầu tư sản xuất, đưa sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP đầu tiên của địa phương.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Sản phẩm miến gạo Việt Kiên của vợ chồng anh Thái Quốc Việt và chị Triệu Thị Kiên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.

Sau 4 năm có mặt trên thị trường, sản phẩm miến gạo của anh Thái Quốc Việt và chị Triệu Thị Kiên đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Chia sẻ về việc đi theo hướng sản xuất miến gạo, anh Việt cho biết: “Nhiều lần về quê vợ ở Thái Nguyên, tôi đã được biết đến nghề làm miến. Từ đó, vợ chồng tôi trăn trở là làm sao có thể sản xuất miến gạo từ chính hạt gạo của quê hương Hồng Lĩnh. Sau một thời gian suy nghĩ và bàn bạc, vợ chồng tôi đã quyết tâm xây dựng cơ sở làm miến gạo ngay tại mảnh đất quê hương bằng chính hạt gạo “làng tôi”.

Khi đã “thuận vợ thuận chồng”, vợ chồng anh Việt quyết định vay vốn, đầu tư máy móc, nhà xưởng để sản xuất miến. Năm 2018, với số vốn đầu tư ban đầu hơn 150 triệu đồng, cơ sở sản xuất miến Việt Kiên của vợ chồng anh Việt đã ra đời.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Từ cơ sở sản xuất nhỏ, đến năm 2019, vợ chồng anh Việt đã đầu tư mở rộng xưởng nhằm tăng quy mô sản xuất.

Để sản xuất ra những sợi miến dai ngon ấy, anh Việt đã dành thời gian 1 tháng đi học cách làm ở Thái Nguyên, góp nhặt từng chút kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Trong 1 năm đầu theo nghề làm miến, do cơ sở còn nhỏ nên mỗi ngày, anh chị chỉ sản xuất khoảng 25 kg miến thành phẩm, sản phẩm làm ra chỉ mới cung cấp cho người dân trong vùng.

Đến năm 2019, với mong muốn mở rộng sản xuất, gia đình anh Việt đã mua thêm mảnh đất phía sau nhà để xây dựng nhà xưởng mới, đầu tư thêm máy móc với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Từ khi mở rộng quy mô, mỗi ngày, cơ sở của vợ chồng anh Việt sử dụng 2 - 2,5 tạ gạo để sản xuất miến.

Chị Kiên chia sẻ: “Lúc mới theo nghề, vợ chồng tôi chỉ dám mở xưởng nhỏ để sản xuất, thăm dò thị trường. Sau thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, được người tiêu dùng địa phương đón nhận, vợ chồng tôi mới mạnh dạn mua đất, mở rộng xưởng để đầu tư sản xuất quy mô lớn hơn. Đến nay, chúng tôi đã có nhà xưởng rộng gần 200 m2, sân phơi miến rộng gần 400 m2”.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Sản phẩm miến được vợ chồng anh Việt sử dụng giàn cao để phơi khô nhằm tránh bụi bẩn.

Ngoài các thành viên trong gia đình tham gia sản xuất miến, vợ chồng anh Việt đã thuê thêm 3 nhân công làm việc với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất miến Việt Kiên sản xuất được 80 - 90 kg miến thành phẩm, giá bán từ 25 - 30 nghìn đồng/kg; mỗi năm, sản xuất gần 25 tấn miến thành phẩm, mang về doanh thu hơn 700 triệu đồng.

Để tạo uy tín trên thị trường và gây dựng niềm tin cho khách hàng, cơ sở sản xuất miến Việt Kiên luôn đặt chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Miến gạo của cơ sở được sản xuất từ giống lúa Khang dân và Xuân mai nên sợi dai, đều, không có chất bảo quản và đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Sản phẩm miến gạo của cơ sở miến gạo Việt Kiên có sợi dai, đều, không có chất bảo quản và đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về nghề làm miến, anh Việt cho biết: “Nghề này cũng lắm công phu khi mỗi mẻ miến phải được chuẩn bị, sơ chế, sản xuất từ hôm nay thì hôm sau mới có sản phẩm để phơi. Gạo được xay thành bột, cho vào máy cán sợi và ủ qua một đêm để miến được dai hơn, khi nấu sẽ không bị nát. Sau đó, miến sẽ được cắt và phơi trên dàn cao, tránh bị bụi bẩn. Những ngày thời tiết nắng ráo là điều kiện thuận lợi nhất cho việc phơi miến. Qua 1 ngày phơi, khi miến khô lại sẽ được đóng gói cẩn thận và đưa đi tiêu thụ”.

Để có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho việc sản xuất, anh Việt còn cung cấp giống để nông dân phường Đậu Liêu sản xuất lúa, sau đó bao tiêu sản phẩm gạo cho bà con. Ngoài ra, anh Việt còn thu mua lúa ở một số xã của huyện Can Lộc, Đức Thọ…

Hiện, sản phẩm miến gạo Việt Kiên đã đi đến nhiều vùng miền. Không chỉ bó hẹp ở thị trường Hồng Lĩnh mà còn mở rộng ra cả tỉnh, đến với thị trường Nghệ An và một số tỉnh, thành phía Nam.

Năm 2021, nhằm chuyên nghiệp hóa sản xuất và đưa sản phẩm đến với nhiều thị trường hơn, vợ chồng anh Việt đã quyết định tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt chứng nhận 3 sao. Điều đó đã trở thành tiền đề giúp vợ chồng anh thêm phần tự tin để tiếp tục phát triển nghề làm miến.

Vợ chồng người Hà Tĩnh khởi nghiệp từ hạt gạo quê hương

Sắp tới, cơ sở sản xuất miến gạo Việt Kiên đang có dự định mở rộng xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm và nghiên cứu thêm việc sản xuất các loại miến khác.

Trong thời gian tới, vợ chồng anh Việt đang có kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới sản xuất thêm nhiều loại miến khác nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, cơ sở sẽ tiếp tục giữ vững thương hiệu, chinh phục thêm nhiều thị trường khó tính hơn.

Nói về sản phẩm miến gạo Việt Kiên, ông Thái Lương - Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu cho biết, hiện tại, đây là sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao OCOP đầu tiên của địa phương. Sản phẩm miến gạo Việt Kiên qua 4 năm có mặt trên thị trường đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở sản xuất miến gạo Việt Kiên trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như định hướng tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ đề Khởi nghiệp

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.