Gia đình anh Võ Khắc Du, trú tại thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh (Đức Thọ) chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ đã 30 năm nay. Từ quy mô nhỏ lẻ, đến nay gia đình đã mạnh dạn đầu tư, sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, cơ sở của gia đình anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, doanh thu đạt từ 3-5 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Võ Khắc Du chia sẻ: "Sản xuất, kinh doanh đồ gỗ đòi hỏi cần nhiều vốn để đầu tư nguyên liệu, máy móc phục vụ dây chuyển sản xuất. Ngoài nguồn vốn tích góp, gia đình được ngành Ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn đầu tư. Đặc biệt, chúng tôi đã gắn bó với nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ từ nhiều năm nay với lãi suất ưu đãi và ổn định, góp phần giúp gia đình có thêm nguồn lực tăng quy mô hoạt động".
Cùng với anh Võ Khắc Du, nhiều hộ dân tại xã Thanh Bình Thịnh đã được Ngân hàng CSXH huyện Đức Thọ cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Đoàn Minh Cẩn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình Thịnh cho biết: “70% hộ gia đình tại địa phương tham gia nghề mộc. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện giải ngân các chương trình giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo… để người dân đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, góp phần phát triển làng nghề mộc truyền thống tồn tại đã hàng trăm năm nay.
Đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn xã đạt hơn 78 tỷ đồng, trong đó 70% dư nợ được người dân dành để đầu tư mô hình, phát triển làng nghề mộc Thái Yên. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội với lợi thế ổn định về lãi suất cho vay đã giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập”.
Tại làng nghề truyền thống rèn đúc Trung Lương (phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh), nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đang phát huy hiệu quả cao. Hàng trăm hộ dân tại làng nghề đang được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách để đầu tư máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Trọng Hà (phường Trung Lương) gắn bó với nghề rèn đúc 30 năm và đến nay đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, bộ sản phẩm dao thép Thanh Hà của cơ sở đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nên được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Trọng Hà chia sẻ: “Tôi đã vay vốn Ngân hàng CSXH thị xã Hồng Lĩnh từ nhiều năm nay. Từ đây đã tạo thêm nguồn lực để tôi đầu tư máy móc, thiết bị, chuyển dây chuyền sản xuất từ thủ công sang tự động ở nhiều hạng mục, giúp gia tăng năng suất, hiệu quả. Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, mỗi năm gia đình thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng”.
Ông Cao Xuân Tiến – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Hồng Lĩnh cho hay: “Thời gian qua, đơn vị tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách chủ lực như: cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Trong đó, luôn ưu tiên nguồn vốn cho người dân đầu tư phát triển làng nghề truyền thống, đóng góp tích cực vào các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn. Tổng dư nợ của đơn vị đến nay đạt trên 204 tỷ đồng".
Hà Tĩnh có nhiều làng nghề truyền thống trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất nước mắm – chế biến thủy hải sản, sản xuất muối, đan lát, sản xuất hương, chổi, bánh đa nem… Với mục tiêu đồng hành cùng chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tạo điều kiện tiếp vốn cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên nguồn lực phát triển các làng nghề truyền thống.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng - chính sách toàn địa bàn đạt 6.788 tỷ đồng, trong đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phát triển các làng nghề đạt khoảng 4.727 tỷ đồng.