Vườn cau xanh mãi

(Baohatinh.vn) - Vườn nhà tôi có cả trăm cây cau, suốt bốn mùa cau tỏa bóng xanh rười rượi. Tuổi thơ tôi gắn bó với vườn cau suốt cả bốn mùa...

Vườn cau xanh mãi

Suốt bốn mùa cau tỏa bóng xanh rười rượi. (Ảnh: Báo Dân Trí).

Thuở ấy nhà tôi có một vườn cau đẹp nhất làng Trị Yên (nay là thôn 8, xã Kim Hoa, Hương Sơn). Cây nào cũng tròn lẳn, thẳng tắp, nhẵn nhụi từ thân lên ngọn. Tán lá trông như chiếc chổi xanh khua khoắng cùng với gió. Những buổi sáng trời quang mây tạnh, đàn chim chào mào lại rủ nhau đến hót rộn cả khu vườn.

Vui nhất vào tiết thanh minh tháng ba, mùa hoa cau nở. Lúc ấy, không chỉ có bầy chào mào mà chim sẻ, chim sâu, sáo đen, bồ chao tụ tập đầy vườn luyện giọng, rồi rỉa lông, rỉa cánh trong hương hoa cau thơm ngát.

Vườn cau xanh mãi

Cụm hoa cau đầy nhành màu trắng pha lẫn chút sương đêm đẹp như những hạt cườm. (Ảnh: Báo Dân Trí).

Vườn nhà tôi có cả trăm cây cau, suốt bốn mùa cau tỏa bóng xanh rười rượi. Tuổi thơ tôi gắn bó với vườn cau suốt cả bốn mùa. Mùa xuân, tôi thấp thỏm chờ đợi ngày hoa cau nở. Tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm quần tụ dưới gốc cau bày nhiều trò chơi thú vị. Khi cây cau đến kỳ trổ hoa, cái vỏ bọc kín bên ngoài bung ra rồi rơi xuống đất, để lộ cụm hoa đầy nhành màu trắng pha lẫn chút sương đêm đẹp như những hạt cườm. Hương cau thơm man mác khắp vườn. Hoa đậu trên cây khoảng vài tuần lễ rồi rụng lả tả xuống mặt đất. Cứ sau mỗi buổi đi học về vườn nhà tôi lại ríu ran tiếng cười nói bạn bè. Dưới gốc cau, chúng tôi lấy mấy bụi tre còi làm khung nhà, cắt lá chuối lợp mái nhà, nhặt vỏ cau làm thuyền, nhặt hoa cau làm gạo, lấy vỏ trứng vịt làm nồi, dựng 3 hòn đá nhỏ, đốt lửa nấu cơm bằng hoa cau. Chao ôi! Những kỷ niệm hồn nhiên của tuổi thơ, ngộ nghĩnh đến nực cười.

Bước vào mùa hạ, vườn cau lại ra rả tiếng ve sầu lẫn trong tiếng chim cu gáy ở ngoài cánh đồng khoan thai vọng vào. Trong cái nắng chói chang, óng ả, vườn cau nhà tôi vẫn rợp bóng mát... Thời gian này, nhiều quả non thi nhau rụng, tán cau lác đác những lá già rụng xuống. Chúng tôi hay nhặt những quả non ấy để chơi ô ăn quan, hoặc làm “đạn” nạp vào cái bóc làm súng... Lũ bạn chia phe, dàn trận giả đuổi nhau dưới gốc cau. Thỉnh thoảng một vài cây cau lại rụng lá già. Khi nghe tiếng lá rơi “bộp” đứa nào cũng thi nhau ùa tới giành lá. Bao giờ lớp mo từ màu xanh chuyển sang màu vàng sẫm thì cành lá vàng úa theo, một lớp mo mới trên cây cau lại tiếp tục bật dậy thay thế lớp mo cũ... Cái thuở làng tôi chưa có điện, mùa hè ai cũng cố làm cho được chiếc quạt được cắt xén từ chiếc mo cau. Gia đình nào không có gàu múc nước, họ lấy chiếc mo cau xén ra chằm lại thành gàu. Tiện nhất là dùng mo cau để gói cơm nắm vừa thơm, vừa dẻo. Cứ đến hè sang là bà con cô bác trong làng lại đến xin mẹ tôi về sử dụng.

Bước vào thu, những buồng cau quả tròn như trứng gà xanh biêng biếc, đầu quả cau phô ra cái núm nhỏ tròn như hạt đậu. Cha tôi ra vườn xem từng cây, nhìn qua màu quả biết được nó già hay non mới hái.

Tháng Mười ở quê tôi thường diễn ra nhiều đám cưới. Tục cưới xin bao giờ ngoài mâm cỗ họ nhà trai sắm sửa để trình lễ họ nhà gái gồm thủ lợn, trầu xanh, bánh trái thì còn phải kèm theo một gié cau tươi. Cau nhà tôi đẹp nên nhiều gia đình tới mua.

Vườn cau xanh mãi

Cha tôi ra vườn xem từng cây, nhìn qua màu quả biết được nó già hay non mới hái... (Ảnh: Báo Dân Trí).

Cuối tháng Mười gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cau. Cứ mỗi chiều, hai anh em tôi lại cùng cha ra vườn hái cau. Công việc hái cau thật đơn giản, chỉ cần bắc thang bước lên. Không cần đến nấc thang cuối cùng, chiếc câu liêm cong như dấu hỏi đã chạm vào buồng cau. Sau một tiếng cắt “phựt”, buồng cau trĩu quả đã rời khỏi thân cau. Cha tôi thư thả hạ chiếc câu liêm xuống, hai anh em đã đứng sẵn hứng lấy buồng cau xếp lại ngay ngắn dưới đất. Cứ lặng lẽ như thế, trung bình mỗi ngày cha tôi hái khoảng 10-15 gốc cau.

Mùa bổ cau, cả gia đình tôi vui rộn và tất bật. Các buồng cau xếp đầy cả sân hè, mỗi tối ăn cơm xong, cha mẹ tôi và chị dâu cả, mỗi người một đèn dầu hoa kỳ, một dao sắc, một rổ lớn ngồi bổ cau. Cả nhà tôi từ cha mẹ đến chị dâu cả, tay ai cầm dao cũng nhanh thoăn thoắt, chỉ sau một đêm, số cau vừa hái ở vườn về được giải phóng nhanh gọn.

Mùa bổ cau, ai cũng mong ngóng trời cho những ngày nắng đẹp để phơi cau. Nhưng khốn nỗi mùa đông mưa và rét buốt nhiều hơn những ngày nắng ấm. Cau khi đã bổ rồi không chớp được nắng thì phải sấy cho khô kẻo bị ẩm mốc. Để trở thành miếng cau khô giòn thơm, nhiều đêm đông cha tôi phải thức tới hai giờ sáng quạt than hoa, canh chừng từng mẻ than đang cháy. Dụng cụ sấy cau được đan bằng nan tre ngà dày kín như tấm lá cót, hình tròn, cao khoảng một mét. Hai đầu nạp tre cứng được niềng bằng mây dày đặc, dân làng tôi thường quen gọi cái “hầm cau”. Mỗi lần trước khi sấy, cha tôi thường lấy một chậu tro bếp đổ xuống giữa gian nhà, cho than đã quạt vào, đặt “hầm cau” vào, đưa nong cau tươi đậy khít miệng “hầm”. Cứ hơn một tiếng đồng hồ, mẻ than hoa này tàn lụi, cha tôi lại bê nong cau vừa sấy ra, sau đó tiếp tục cời lửa, bỏ mẻ than hoa mới sấy nong cau mới. Mỗi đêm đông, cha tôi lần lượt sấy 3 nong cau tươi, mỗi nong sấy tới 3 lần. Nhiều năm suốt cả tuần liền, mưa dầm rả rích, mỗi nong cau phải sấy đến hàng chục lần mới khô giòn được.

Vườn cau xanh mãi

Mỗi lần về quê, đi qua lối cũ vườn xưa, tôi lại nhớ da diết tuổi thơ dưới bóng cau xanh rười rượi... (Ảnh: Internet).

Nhờ cha mẹ tôi siêng năng, quen thức khuya dậy sớm và có tư duy lập vườn nên mỗi năm thu hoạch được năm đến bảy chum cau khô. Cau khô hồi ấy được xếp vào sản phẩm đặc biệt của nhà nông. Chưa đến mùa hái cau, bà Lan ở Sơn Trung, bà Trị, bà Nậm ở dưới Choi... đã đến tận nhà tôi “đặt cọc” trước. Mùa nào cau cũng được giá, gia đình tôi chẳng những lo đủ cơm áo, sách vở cho 6 anh chị em ăn học trưởng thành mà còn “cứu cánh” cho nhiều bà con thân hữu trong làng vượt qua lúc giáp hạt tháng Ba.

Bây giờ vườn nhà tôi thuở trước đã có chủ mới, cha mẹ tôi đã thành người thiên cổ lâu rồi. Nhưng mỗi lần về quê, đi qua lối cũ vườn xưa, tôi lại nhớ da diết tuổi thơ dưới bóng cau xanh rười rượi.

Tháng 12/2023

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.
Podcast truyện ngắn: Đời biển

Podcast truyện ngắn: Đời biển

Anh hiểu rằng, những chuyến ra khơi không bao giờ dễ dàng, nhưng biển cả luôn cho anh thấy sức mạnh, niềm tin và sự kiên cường - điều đã trở thành máu thịt của cuộc đời mình.
Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Điều không ngờ trong 'Squid Game 2'

Nhân vật mà Lee Byung Hun thủ vai, vốn là người điều hành loạt game ở mùa 1, lại xuất hiện với tư cách thí sinh ở mùa 2. Khoảnh khắc này khiến khán giả ngạc nhiên và tranh luận.
Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Podcast tản văn: Nắng nhạt cuối thu

Hôm nay, ánh nắng mang một tâm trạng thật khác lạ, nhẹ nhàng và dịu dàng như một thiếu nữ đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời với sự mong chờ xen lẫn chút tiếc nuối...
3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

3,5 tỷ đồng trùng tu đền Nam Phong

Đền Nam Phong ở xã Cương Gián, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được trùng tu, xây dựng khang trang, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.