Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Đoàn Quốc Hoài ở thôn 1 (xã Quang Thọ) vốn chỉ gắn với những cây hoa màu, nên nghèo đói cứ đeo đẳng mãi.
Đầu năm 2005, khi địa phương có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ông đã nắm bắt cơ hội này để từng bước đổi đời. Bằng sự say mê, chịu khó, ông đã biến gần 4 ha đồi hoang thành những dãy cam trĩu quả.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình ông Hoài luôn xanh mướt, đạt năng suất cao qua từng vụ.
Ông Hoài cho biết: “Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên vườn cam của tôi luôn xanh mướt, đạt năng suất cao qua từng vụ. Mỗi năm, vườn của tôi cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn quả, trừ hết chi phí, thu về hơn 500 triệu đồng.
Chính nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, kinh tế gia đình đã khấm khá. Đặc biệt, năm 2019, cam của gia đình được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, thị trường luôn rộng mở và bán được giá”.
Mô hình trồng cam của ông Đoàn Quốc Hoài mỗi năm mang lại nguồn thu trên 500 triệu đồng.
Không chỉ ông Đoàn Quốc Hoài, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã biên giới Quang Thọ cũng đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất để nâng cao thu nhập, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Không chấp nhận hoàn cảnh khó khăn, anh Lê Anh Tuấn ở thôn 1 mạnh dạn bắt tay vào nuôi dúi để nâng cao thu nhập và đã được địa phương đánh giá cao.
Mô hình nuôi dúi của anh Lê Anh Tuấn ở thôn 1, xã Quang Thọ.
Đầu năm 2019, anh Tuấn được bạn bè giới thiệu đến tham quan mô hình nuôi dúi ở thị trấn Vũ Quang. Nhận thấy đây là loài động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc, anh đã mua 3 cặp về nuôi thử nghiệm.
Đến cuối năm 2019, được sự động viên, hỗ trợ của địa phương, anh mạnh dạn mua thêm 20 cặp dúi để mở rộng quy mô. Đặc biệt, để đảm bảo các điều kiện nuôi theo quy định, anh đã chủ động xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã.
Mỗi năm, từ việc bán dúi thịt và dúi giống đem về cho gia đình anh Tuấn nguồn thu hơn 150 triệu đồng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Ngày mới nuôi, do không có nhiều kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao. Thế nhưng, nhận thấy nhu cầu thị trường luôn đắt hàng, lợi nhuận cao, tôi không bỏ cuộc mà tiếp tục nỗ lực nhân đàn. Đến nay, mô hình đã có trên 400 con dúi; mỗi năm, từ việc bán dúi thịt và dúi giống đem về nguồn thu hơn 150 triệu đồng, giúp gia đình từ hộ nghèo vươn lên trở thành hộ khá của địa phương, từng bước ổn định cuộc sống”.
Được biết, anh Tuấn đang phấn đấu nhân đàn dúi lên 600 con để tăng thu nhập những năm tiếp theo. Ngoài ra, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi dúi cho những ai có nhu cầu, nhằm giúp bà con xây dựng mô hình sinh kế bền vững.
Chăm lo phát triển sản xuất nên đời sống của người dân xã Quang Thọ ngày càng được nâng lên.
Nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu của người dân, trên địa bàn xã Quang Thọ hiện có 160 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Trong đó, tiêu biểu là các mô hình của hộ: ông Đoàn Quốc Hoài (thôn 1), mô hình trồng cam của anh Đoàn Quốc Bảo (thôn 1), mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả của anh Phan Văn Trường (thôn 1), mô hình nuôi lợn của chị Ngô Thị Thanh (thôn 3)... cho thu nhập mỗi năm từ 400 - 700 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ nhấn mạnh: “Thời gian qua, địa phương luôn đồng hành cùng người dân trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ tập huấn kỹ thuật, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ bà con vay vốn cho đến kết nối thị trường tiêu thụ cam cho bà con…, xã luôn quan tâm triển khai. Qua đó, đã tiếp thêm động lực cho bà con mạnh dạn đưa các bộ giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Chính nhờ những nỗ lực đó, năm 2022, địa phương đã hoàn thành xã NTM nâng cao.
Khi kinh tế được cải thiện, đời sống được nâng lên, bà con có điều kiện hưởng ứng các hoạt động, phong trào tại địa phương, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.