Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) - xã chịu ảnh hưởng lớn từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, song nơi đây còn cần rất nhiều sự chung tay hơn nữa.

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Xã Đỉnh Bàn là địa phương không có hệ thống thủy lợi, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất rất bị động.

Cùng nỗi vất vả chung của vùng chịu ảnh hưởng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, xã Đỉnh Bàn còn phải giải quyết nhiều khó khăn do tính đặc thù. Theo ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã, Đỉnh Bàn được sáp nhập từ 2 xã nghèo và khác nhau về sản xuất, trong đó, người dân xã Thạch Đỉnh cũ chuyên làm nông nghiệp, người dân xã Thạch Bàn cũ chuyên sản xuất muối nên có những khó khăn trong đời sống sinh hoạt.

Một số thôn thuộc xã Thạch Bàn cũ hiện đang đối mặt với những bất cập về giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Riêng thôn Tân Phong – trước đây thuộc xã Thạch Bàn, năm nay đang có khả năng phát sinh thêm 1 hộ nghèo. Đây là hộ neo đơn, già cả, bệnh tật. Thêm hộ này thì Tân Phong sẽ có tới 27 hộ nghèo. Dù cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và ban cán sự thôn đã trăn trở nhiều nhưng không có cách nào giúp những hộ nghèo nơi đây “thoát nghèo”.

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Thời điểm sản xuất vụ xuân 2023, người dân Đỉnh Bàn phải dùng nhiều cách mới lấy được nước về chân ruộng (Ảnh do người dân Đỉnh Bàn cung cấp).

Bên cạnh vấn đề lịch sử để lại, Đỉnh Bàn phải đối mặt nhiều khó khăn do tác động của quy hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hiện tại, Đỉnh Bàn là xã duy nhất có các hộ dân tái định cư bởi dự án trọng điểm này.

Tuy nhiên, trong 91 hộ tái định cư có 66 hộ đã về nơi ở mới ổn định, còn 25 hộ chưa có nơi để đến. Nhân dân ở lại vùng này đang gặp rất nhiều khó khăn về giao thông và sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, Đỉnh Bàn chưa được đầu tư các cơ sở hạ tầng cơ bản như: trụ sở hành chính xã, chợ, trường học, đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ...

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Địa phương đang đề xuất được đầu tư 1km mương thủy lợi nối từ xã Thạch Khê về xứ đồng Cồn Gai để giải quyết vấn đề nước tưới cho 45ha lúa.

Tại các địa bàn thôn, hiện nay, nhiều nơi khó khăn về hạ tầng phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thống - Trưởng thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn cho hay: “Thôn có 330 hộ được nhập từ 3 xóm, do nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê nên tất cả các công trình từ năm 2013 đến nay không được xây dựng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp rất khó để canh tác do thiếu nguồn nước, dù ở đây chỉ sản xuất 1 vụ chính (vụ xuân).

Người dân rất mong chính quyền các cấp hỗ trợ xây dựng tuyến kênh mương nội thôn với chiều dài 1,3km để lấy nước phục vụ sản xuất. Nguồn nước sẽ lấy từ 3 nơi chính như: khu vực khai thác mỏ sắt, khe Trằm, khe Bắc chảy từ Thạch Khê ra. Đồng thời, tuyến kênh này cũng sẽ phục vụ tiêu úng mùa mưa lũ, hạn chế tình trạng nước ngập các tuyến giao thông nội thôn.

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Đầu năm nay, địa phương đã huy động nguồn lực đổ cấp phối tuyến đường 570m qua thôn Thanh Long để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của xã, cấp ủy, chính quyền các cấp đã luôn đồng hành tháo gỡ khó khăn. Mới đây (ngày 24/8), người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Thạch Hà đã tổ chức đối thoại với cán bộ, người dân xã Đỉnh Bàn. Theo lãnh đạo địa phương, đây là cuộc đối thoại “mở” do có người dân tham gia, vì vậy, nhiều vấn đề đã được trao đổi thẳng thắn và huyện đã chỉ đạo giải quyết cụ thể.

“Ngay sau buổi đối thoại, liên quan đến đề nghị của địa phương về các tuyến kênh mương trên địa bàn, trong đó có tuyến kênh qua thôn Văn Sơn, UBND huyện đã giao Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp với các phòng liên quan khảo sát, tham mưu nguồn lực để giải quyết cho người dân. Hiện nay, việc khảo sát đã hoàn thành, huyện cũng đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn để thực hiện”, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Trần Quang Đông cho hay.

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Tuyến kênh qua địa bàn thôn Văn Sơn đã được khảo sát để đầu tư.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Đỉnh Bàn tới đây cũng sẽ được đầu tư các tuyến giao thông, tuyến kênh quan trọng.

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho hay: Hiện nay, địa phương chưa có hệ thống thủy lợi. Vừa qua, sau đối thoại, Phòng NN&PTNT đã về kiểm tra để đầu tư tuyến kênh vừa tiêu và trữ nước vào mùa khô với 1,3km cho 60ha. Địa phương đang đề xuất được đầu tư 1km mương thủy lợi nối từ Thạch Khê về nội đồng xứ Cồn Gai của Đỉnh Bàn để giải quyết vấn đề nước tưới cho 45ha lúa. Về khó khăn liên quan đến giao thông khu vực có các hộ thuộc diện di dời tái định cư, hiện nay các cấp đã quan tâm nguồn lực, đổ đường mới đảm bảo đi lại.

Xã khó khăn nhất vùng mỏ sắt Thạch Khê “khát” nguồn lực

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch hành chính xã Đỉnh Bàn đã xuống cấp, không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phạm Công Tùng bày tỏ: "Người dân rất phấn khởi khi thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, xã đang hết sức khó khăn, thu ngân sách đạt rất thấp, do đó, mong các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực tạo thuận lợi cho địa phương, nhất là các hạ tầng thiết yếu như: đường trục chính xã, trụ sở hành chính xã, chợ, tượng đài liệt sỹ, thủy lợi nội đồng, một số tuyến giao thông nội thôn...”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.