Vườn chè 5 sào, 4 tháng tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Hiềng khô héo vì nắng hạn.
Sau một thời gian trồng sắn nguyên liệu không phát huy được hiệu quả, với sự tuyên truyền, vận động của xã, anh Nguyễn Văn Hiềng, ở thôn Nam Xuân đã đầu tư chuyển đổi sang trồng 5 sào chè tại trang trại của mình.
Qua 4 tháng trồng và chăm sóc, cây chè sinh trưởng và phát triển rất tốt, tuy nhiên gặp đợt nắng hạn khốc liệt, lại không có nguồn nước tưới, chè bị héo rũ và chết dần, khô đến tận rễ; đến thời điểm này đã có khoảng trên 50% diện tích bị chết.
"Nếu trong vài ngày tới không có mưa với lượng lớn thì sẽ xóa sổ toàn bộ diện tích này, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Mà nếu trồng lại cũng rất tốn công sức, thời gian” - anh Hiềng buồn bã nói.
Cây chè khi đã bị cháy vì nắng hạn là cháy từ ngọn đến rễ.
Đến thời điểm này, toàn xã Kỳ Tây có trên 40 ha chè thì có 20 ha bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, phần lớn là các diện tích mới trồng.
Không chỉ cây chè, hiện các loại cây có múi như: cam, bưởi... cũng đang chịu ảnh hưởng nặng từ đợt nắng hạn trầm trọng này.
Vườn cam của gia đình ông Ngô Quang Đạo cũng bắt đầu héo rũ
Nếu như các năm trước, vườn cam gần 5 sào của gia đình ông Ngô Quang Đạo ở thôn Nam Xuân mướt một màu xanh và trĩu quả, thì đợt nắng hạn này hầu hết đã bị héo rũ và có nguy cơ chết lụi.
Quả cam, phần bị rụng, số còn lại trên cây do thiếu nước đã bắt đầu héo mềm. Nếu trong vài ngày tới không có mưa thì nguy cơ mất trắng. Toàn xã có gần 30 ha cây ăn quả thì trên 70% diện tích bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán.
Gần 250 ha đất trồng lúa ở Kỳ Tây bị bỏ hoang do thiếu nước
Xã Kỳ Tây có 280 ha đất trồng lúa thì chỉ có gần 30 ha là chủ động nước. Vì vậy, vụ hè thu, phần lớn diện tích đất phải bỏ hoang. Tuy nhiên, số diện tích xuống giống được vẫn không hoàn toàn đủ nước, đặc biệt với đợt hạn này, nhiều mảnh ruộng đã bị khô nẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2021, nhưng trong số 8 tiêu chí chưa đạt, xã Kỳ Tây có tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Với đợt hạn hán này, xã sẽ rất khó khăn để xây dựng đạt chuẩn theo lộ trình.
Nhiều diện tích có thể xuống giống được cũng đang ngắc ngoải vì hạn hán
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây, trước đây xã không đến nỗi khó khăn về nguồn nước sản xuất mỗi khi hạn hán xảy ra, bởi toàn xã có đến 3 con đập lớn.
Tuy nhiên theo thời gian, các công trình dần xuống cấp; ngân sách địa phương không đủ để duy tu, bảo dưỡng… Hiện chỉ có đập Cây Trường là còn chức năng tích nước tưới cho khoảng 30 ha lúa, một số diện tích cây trồng cạn và phục vụ sinh hoạt.
Đập Chọ Má (trên địa bàn thôn Hồng Xuân) với công suất tưới cho khoảng trên 20 ha lúa đã bị "bỏ quên" trong nhiều năm qua
Ngoài nguồn nước trời và một số nguồn từ suối, lạch, để có nước tưới và sinh hoạt, không còn cách nào khác người dân Kỳ Tây phải khoan giếng để sử dụng. Tuy nhiên với tổng chi phí cho một chiếc giếng khoan không dưới 10 triệu đồng, đối với phần lớn người dân xã nghèo vùng thượng Kỳ Anh là một bài toán khó.
Hiện toàn xã mới chỉ có 17 hộ lắp đặt được hệ thống tưới với diện tích được tưới khoảng 7 ha gồm cả chè và cây ăn quả.
Tận dụng nguồn nước quý giá từ các ao lạch, người dân đầu tư hệ thống bơm tưới cho cây trồng
“Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, cấp ủy, chính quyền xã tập trung vận động nhân dân khắc phục khó khăn, thực hiện các biện pháp chống hạn trước mắt như: tranh thủ tối đa nguồn nước tại các con suối, ao lạch.
Đầu tư khoan giếng để tưới cho cây, tận dụng rơm rạ, lá cây tủ gốc cây để hạn chế thoát nước và làm mát gốc cây...." - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ.