Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì đầu cầu UBND tỉnh. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và 13 điểm cầu ở các địa phương trong tỉnh.
Năm 2018, tình hình bão lũ tại Hà Tĩnh không khốc liệt và gây hậu quả nghiêm trọng như năm 2017, nhưng đã làm 2 người chết, hàng chục ngôi nhà bị sập và tốc mái, 7.748 ha lúa hè thu và hơn 200 hoa màu, thủy sản bị ảnh hưởng; một số cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị sạt lở hư và hư hỏng. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước tính trên 161 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 19 đợt không khí lạnh kể cả không khí lạnh tăng cường; trong đó 3 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng với nền nhiệt độ 9 – 11 độ C. Do tác động kết hợp gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với nền nhiệt độ cao gây ra 2 trận lốc xoáy, kèm theo giông, sét ở Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh làm tốc mái và hư hỏng một số nhà dân.
Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh Trần Đức Bá: Năm 2019, cần chú trọng đề phòng các cơn bão có cường độ mạnh và rất mạnh. Các tháng thời kỳ giao mùa (tháng 5 - 6 và tháng 9 - 10) cần đặc biệt lưu ý các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: tố, lốc, sét và mưa đá có khả năng xảy ra nhiều hơn các năm gần đây.
Năm 2019, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.
Theo đó, xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai năm 2019 sát đúng với từng tình huống có thể xẩy ra; chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu...
Đại tá Nguyễn Huy Thông - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh: Từ những bài học kinh nghiệm thì việc điều tiết lực lượng trong cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xẩy ra là hết sức quan trọng. Bởi vậy, các địa phương cần tính toán bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhất là vào mùa mưa lũ để nước rút đến đâu khắc phục ngay đến đó.
Tập trung làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm triển khai hiệu quả công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh trong năm 2019, một số đại biểu cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến về các loại hình thiên tai đối với người dân còn hạn chế; việc chuẩn bị nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” của một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng cơ bản các công trình phòng, chống thiên tai nhìn chung còn chậm...
Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Lương Phan Kỳ: Chủ động PCTT - TKCN năm 2019, ngành đã tiến hành rà soát và xác định được các tuyến đường xung yếu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, công trình trọng điểm; chủ động vật tư, phương tiện, lực lượng khắc phục khi có sự cố giao thông xảy ra
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: Những tháng đầu năm 2019, thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nắng nóng khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Để chủ động phòng chống thiên tai trong năm 2019, Phó Chủ tịch UBND đề nghị các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.
Các ngành cần chuẩn bị các phương án sát đúng với tình hình thực tế trên tinh thần chủ động tối đa, phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác ứng phó với thiên tai. Chú trọng đến các phương án vận hành thoát lũ tại các hồ chứa lớn trên địa bàn, đồng thời rà soát các công trình thủy lợi để có phương án ứng phó khi sự cố xẩy ra.
Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án cụ thể, chi tiết, đặc biệt lưu ý đến các điểm xung yếu, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy. Đối với các vùng ven biển thì cần phải có kế hoạch di dời dân khi có siêu bão, bão mạnh.
Công tác dự báo, cập nhật cảnh báo phải làm tốt để người dân chủ động ứng phó trước các tình huống của thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi thiên tai xảy ra; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả .
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương phải tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và triển khai sản xuất vụ hè thu đảm bảo đúng lịch thời vụ.