Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn “3 không”
Vụ hè thu 2020, cánh đồng lúa thôn thôn Phú Quý, xã Thạch Liên (Thạch Hà) với diện tích 11ha được triển khai canh tác theo hướng hữu cơ
Vụ hè thu 2020, lần đầu tiên trong hơn 60 năm gắn bó với nghề trồng lúa, bà Phan Thị Diệu thôn Phú Quý, xã Thạch Liên (Thach Hà) không phải “đụng” đến bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào kể từ khi xuống giống cho đến lúc thu hoạch. Mặc dù vậy, với diện tích 4 sào, trồng giống lúa Dự Hương 8, trong vụ sản xuất này, bà Diệu đã thu hoạch được hơn 1 tấn lúa (năng suất 2,5 tạ/sào).
Bà Phan Thị Diệu cho biết, ban đầu khi cán bộ về tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất lúa mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân hóa học chúng tôi rất bở ngỡ, và thực sự là không mấy tin tưởng. Tuy nhiên, qua thực tế đến vụ thu hoạch cho thấy, mặc dù năng suất thấp hơn so với cùng giống lúa được bón phân hóa học nhưng chắc chắn là chất lượng sẽ an toàn hơn.
Với mục đích định hướng cho bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng “3 không”: không bón phân vô cơ, không sử dụng thuốc hóa học, không dùng chất kích thích, vụ hè thu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP” tại các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà với tổng diện tích 71 ha.
Mô hình sử dụng đồng nhất 1 loại giống Dự Hương 8, có thời gian sinh trưởng 95 - 96 ngày
Ông Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết, triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với đơn vị cung cấp giống, phân hữu cơ khoanh vùng khu vực sản xuất hữu cơ, xây dựng vùng đệm tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm. Các loại lúa thực hiện tại mô hình đều được bón phân hữu cơ khoáng của Tổng Công ty Sông Gianh. Quá trình chăm sóc, phòng trừ cỏ dại bằng biện pháp điều tiết nước và làm cỏ thủ công.
“So với giống đối chứng, thời gian sinh trưởng của các giống lúa (RVT, Dự Hương 8) gieo cấy tại mô hình có thời gian sinh trưởng tương đương. Đặc biệt, vụ hè thu 2020, trên các vùng sản xuất lúa mô hình hầu như ít bị đối tượng gây hại, khả năng chống đổ của cây lúa cao. Qua thực tế, vụ hè thu 2020 cho thấy, năng suất các giống lúa sử dụng phân hữu cơ có giảm so với các giống lúa sử dụng phân vô cơ khoảng 10-15%, đạt từ 48 - 50 tạ/ha” - ông Nguyễn Hữu Ngọc cho hay.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong quá trình sản xuất.
Cũng theo ông Ngọc, khi đánh giá về hiệu quả kinh tế của 2 phương thức canh tác (hữu cơ và thông thường), nhận thấy, canh tác theo hữu cơ sẽ cho thu nhập cao hơn so với canh tác thông thường hơn 2 triệu đồng/ha. Như vậy, trong vụ đầu tiên triển khai mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, bước đầu cho thấy, lúa sản xuất theo quy trình sản xuất hữu cơ cho giá trị thu nhập cao hơn.
Điều quan trọng khi sản xuất lúa hữu cơ đó là bảo vệ môi trường sinh thái, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, nông sản an toàn, hiệu quả cao.
Gắn với chương trình OCOP
Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, sản xuất lúa hữu cơ là một trong những điều kiện quan trọng để tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hà Tĩnh đang có những chính sách khuyến khích đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và đối với sản phẩm lúa nói riêng. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chương trình OCOP vụ hè thu 2020 được sử dụng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đại diện các đơn vị cung cấp giống, các địa phương thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất lúa hữu cơ trên đồng ruộng Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế mà nông nghiệp phải hướng đến. Chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã nhận thức rất rõ việc này. Người dân ngày càng nhận thức được sản xuất theo hướng, tiêu chuẩn hữu cơ chính là vì sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.
“Hà Tĩnh có đội ngũ cán bộ nông nghiệp rất tâm huyết với sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, các công ty trên lĩnh vực nông nghiệp đã tăng cường liên kết với người dân để sản xuất hữu cơ. Đây là việc quan trọng, đặt ra triển vọng lớn cho sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ gắn với chương trình OCOP là sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng tốt hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định.