Video: Người dân xã Thọ Điền thoát nghèo từ nghề trồng chè
Thời điểm này, trên những vườn đồi ở thôn 6 (xã Thọ Điền), đi đâu cũng thấy người dân nhanh tay thu hoạch chè búp để kịp cho ra đời những mẻ trà thơm ngon. Năm nay, thời tiết thuận lợi, chè cho nhiều búp nên bà con rất phấn khởi.
Gia đình bà Trần Thị Thảo (trú thôn 6, xã Thọ Điền) trước đây cuộc sống rất khó khăn và không ổn định. Bắt đầu từ năm 2010, được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật và giống, bà đã mạnh dạn chuyển đổi 2 sào hoa màu kém năng suất sang trồng chè.
Bà Trần Thị Thảo (trú thôn 6, xã Thọ Điền) trồng hơn 1 ha chè giống LDP2, mỗi năm thu về trên 140 triệu đồng.
Bà Thảo cho biết: “Ngày ấy, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng chè trên địa bàn xã. Qua nhiều năm vừa trồng vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, hiện tại, gia đình đã mở rộng diện tích, trồng được hơn 1 ha giống chè LDP2, cho thu nhập ổn định trên 140 triệu đồng/năm. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dự kiến nguồn thu sẽ “trội” hơn. Nhờ cây chè mà kinh tế gia đình đã khấm khá từng ngày, nuôi dạy các con ăn học đến nơi, đến chốn”.
Trung bình mỗi tháng, bà Thảo thu hái được khoảng 75 kg chè búp/sào.
Cũng theo bà Thảo, so với những cây trồng khác thì chè dễ trồng, ít chi phí và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây cho thu hái gần như quanh năm, trung bình 1 sào chè mỗi tháng cho thu khoảng 60kg búp, chế biến sang trà thành phẩm được khoảng 6kg. Với giá bán hiện tại từ 100 - 120 nghìn đồng/kg trà, gia đình bà thu về 600 - 700 nghìn đồng/sào mỗi tháng".
Gia đình bà Thảo chế biến chè thành phẩm tại chỗ.
Bà Thảo cho biết: “Trước đây, chè hái xong chúng tôi nhập cho thương lái ở các vùng khác, giá cả thấp hơn. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền địa phương tổ chức đi tham quan mô hình chế biến chè thành phẩm ở Thái Nguyên và hỗ trợ máy sao sấy (trị giá 4 triệu đồng), gia đình đã cải thiện thu nhập nhờ chủ động việc chế biến tại chỗ. Với những lợi thế sẵn có về đất đai, kỹ thuật, thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng diện tích lên 1,5 ha để tăng nguồn thu”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (thôn 6, xã Thọ Điền) trồng hơn 10 sào chè LDP2, được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Nguyễn Văn Sơn (thôn 6, xã Thọ Điền) đang tập trung thu hoạch 5 sào chè của gia đình.
Anh Sơn cho biết, gia đình đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chăm sóc chè, từ đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đưa cây chè trở thành cây kinh tế chủ lực, giúp gia đình làm giàu hiệu quả.
Nhờ chú trọng kỹ thuật nên chè của anh Sơn luôn xanh mướt, cho chất lượng tốt.
Anh Sơn chia sẻ: “Trung bình mỗi năm, cây chè mang về cho gia đình nguồn thu khá ổn định, khoảng 70 triệu đồng. Trong quá trình chăm sóc chè, chúng tôi chỉ sử dụng bón phân hữu cơ theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất kích thích khác, thực hiện quy trình sản xuất chè sạch để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng”.
Cũng theo anh Sơn, nhờ đảm bảo quy trình trồng nên chè của gia đình luôn được khách hàng tin tưởng thu mua, chè hái tới đâu là tiêu thụ hết tới đó, không xảy ra tình tràng ế hàng và thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh.
Xã Thọ Điền hiện có gần 25 ha chè.
Xã Thọ Điền hiện có hơn 25 ha chè. Cây chè cho thu hoạch gần như quanh năm, trong đó vụ chính kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8. Để đảm bảo việc tiêu thụ chè cho bà con, từ năm 2015, xã Thọ Điền đã thành lập HTX dịch vụ chè Sơn Thọ, với 12 thành viên tham gia. HTX ra đời đã giúp bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ các quy trình sản xuất chè sạch, từ đó xây dựng được sản phẩm chất lượng và ổn định thị trường.
Ông Nguyễn Văn Nghị (thôn 6, xã Thọ Điền) - thành viên của HTX dịch vụ chè Sơn Thọ mỗi tháng thu mua khoảng 5 - 6 tạ chè búp cho các hộ dân trên địa.
Ông Nguyễn Văn Nghị (thôn 6, xã Thọ Điền), thành viên của HTX - người đứng ra thu mua chè búp cho các hộ dân trên địa bàn cho biết: “Việc thành lập HTX đã giúp người dân quan tâm hơn đến chất lượng của sản phẩm. Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, người dân đã chú trọng hơn đến việc hình thành các vùng trồng tập trung, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào để chúng tôi thu mua. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi thu mua khoảng 5 - 6 tạ chè tươi cho bà con, với giá từ 7 - 8 nghìn đồng/kg”.
Cũng theo ông Nghị, mặc dù sản phẩm chè Thọ Điền không thua kém gì các sản phẩm chè ở phía Bắc, nhưng do chưa xây dựng được sản phẩm OCOP nên giá thành chưa cao. Do đó, bà con trồng chè rất mong địa phương hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thành công sản phẩm OCOP để sản phẩm chè Thọ Điền không chỉ có chỗ đứng trên thị trường mà còn có thể cạnh tranh được với những sản phẩm chè “đặc sản” của tỉnh bạn.
Hiện tại, trà thành phẩm đang được người dân xã Thọ Điền bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Xác định chè là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, xã Thọ Điền đã hướng dẫn bà con trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, hỗ trợ người dân 14 bộ máy sao sấy để chủ động chế biến tại chỗ.
Từ khi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và chế biến chè an toàn, các hộ dân đã có những thay đổi về phương thức sản xuất như thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay 100%; chuyển phương thức chế biến từ chảo gang thủ công sang chảo quay bằng điện để nâng cao chất lượng thành phẩm.
Xã Thọ Điền đang nỗ lực xây dựng sản phẩm chè của địa phương đạt chuẩn OCOP.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết: “Ngoài cây cam là sản phẩm chủ lực, xã đã và sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cây chè. Để cây chè trở thành sản phẩm chủ lực, xã sẽ tập trung mở rộng diện tích, hỗ trợ giống, cải tạo đất, chuyển giao công nghệ... nhằm mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng chè Thọ Điền thành sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ lớn”.