Video: Xem người nông dân Đức Thọ nuôi dế thương phẩm
Anh Tuấn hiện có 6 chuồng nuôi dế, thu nhập trung bình đạt trên 500 nghìn đồng/ngày.
Trong thời gian học tập và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986) được tham quan một số trang trại nuôi dế. Qua tìm hiểu, nhận thấy con dế dễ nuôi, anh đem về phòng trọ nuôi thử để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.
Sau khi về quê, lấy vợ và lập nghiệp tại quê hương xã Yên Hồ, năm 2016, anh tìm và liên hệ với một doanh nghiệp cung cấp con dế giống tại Hà Nội để nuôi thử.
Sau khoảng 45 ngày, dế đạt tuổi trưởng thành và có thể thu hoạch.
Anh kể: “Ban đầu, tôi đầu tư nuôi thử 2 chuồng, mỗi chuồng có diện tích 1,2 x 2,4m. Doanh nghiệp bán con giống cũng cam kết thu mua lại dế thương phẩm. Thấy dễ nuôi và hiệu quả, đến nay tôi nhân rộng lên 6 chuồng nuôi. Tính ra, chi phí đầu tư nuôi dế rất ít, chỉ khoảng vài chục triệu đồng gồm tiền giống và tiền làm chuồng".
Nuôi dế cũng không tốn nhiều diện tích, và không ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ sống của dế rất cao, ít bệnh tật, người nuôi có thể tự nhân giống. Loài dế chỉ có nhược điểm là cắn nhau và ăn đồng loại, tuy nhiên, nếu cho ăn đầy đủ thì sẽ hạn chế được rủi ro này”.
Thức ăn cho dế chủ yếu là rau xanh và, cám, tinh bột.
Về kinh nghiệm nuôi và chăm sóc dế, anh Tuấn chia sẻ, thức ăn cho dế khá đơn giản, chủ yếu là rau muống, rau sắn, mùng tơi, khoai lang và cám gạo, bột ngô, đậu xanh… Tuy dế là loài dễ nuôi, ít bệnh nhưng có sức đề kháng kém, rất nhạy cảm với hóa chất, nên đòi hỏi môi trường sống phải yên tĩnh, thoáng mát. Con dế cũng dễ dị ứng với mùi khói.
Người nuôi cần lưu ý là thức ăn cho dế phải sạch, không nên dính nước. Nếu thuận lợi, sinh trưởng tốt thì sau khoảng 45 ngày có thể thu hoạch, vào mùa đông thì thời gian nuôi có thể sẽ kéo dài hơn. Trước khi thu hoạch vài ngày, người nuôi nên dừng cho ăn các loại rau mà chỉ cho ăn bột đậu xanh để làm sạch ổ bụng. Khác với khu vực miền Nam, thời tiết ở Hà Tĩnh khá phù hợp nên không cần thực hiện phun sương.
Lợi nhuận cao, anh Tuấn đang mong muốn vay vốn để mở rộng quy mô mô hình.
Nhờ khắt khe từ khâu chọn thức ăn nên có thể thấy con dế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, dế có thể chế biến nhiều món ăn ngon, giàu dinh dưỡng, giàu đạm, canxi nên thị trường tiêu thụ thời điểm hiện tại đang khá thuận lợi.
“Hiện tại, mỗi tháng tôi phải xuất cho doanh nghiệp ít nhất là 60 kg dế thương phẩm theo cam kết. Ngoài ra, một số nhà hàng, người dân cũng tìm đến mua lẻ nhưng do quy mô còn nhỏ nên chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu người dân. Còn về hiệu quả kinh tế, mỗi chuồng sau 45 ngày nuôi sẽ cho thu hoạch khoảng 40 kg dế thương phẩm, giá bán hiện tại là 140 nghìn đồng/1 kg. Tính ra mỗi lứa, gia đình tôi thu về trên 30 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày cho thu nhập trên 500 nghìn đồng từ con dế” - anh Tuấn chia sẻ thêm.
Dế chỉ cần mua giống 1 lần, sau đó người nuôi có thể tự nhân giống.
Ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hồ cho biết: Mô hình nuôi dế của anh Tuấn có hiệu quả cao, dễ làm. Đây là cách làm kinh tế mới ở xã, đem lại thu nhập cao cho người nuôi. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục theo dõi, xem xét và đề xuất lên cấp trên để anh Tuấn được hưởng chính sách vay vốn, mở rộng mô hình. Đồng thời, đưa hội viên đến tham quan, học cách nuôi dế, để mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.