Theo báo cáo, đến ngày 6/1/2017, trên địa bàn Hà Tĩnh có 48 cơ sở thu mua thủy sản có kho cấp đông, kho lạnh đang tạm trữ 3.711 tấn thủy hải sản các loại (gần 784 tấn đảm bảo đủ điều kiện làm thực phẩm cho người). Trong đó, sản phẩm đông lạnh có gần 3.320 tấn, sản phẩm khô khoảng 417 tấn, sản phẩm thủy sản tại các tủ đông (chưa được kê khai) khoảng 120 tấn, hơn 853 tấn sứa cần phải tiêu hủy do bốc mùi hôi thối. Toàn tỉnh có 438 nhà hàng ăn uống, phục vụ ven biển với 1.813 lao động chịu thiệt hại bởi sự cố môi trường.
Sau khi các ngành chức năng công bố sự an toàn của biển các tỉnh miền Trung và việc tiêu hủy số lượng thủy hải sản không đảm bảo ATVSTP, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi. Các chủ cơ sở đã mở cửa trở lại và bắt đầu hoạt động, số người sử dụng hải sản tăng dần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Cần làm rõ hơn khái niệm “ven biển” trong văn bản để tạo sự công bằng hơn trong các tiêu chí. Đối với số thủy sản phát sinh mới, người mua hàng trả lại, hàng gửi kho khác đưa về nhập kho cần người dân chứng minh bằng các loại giấy tờ đầy đủ. Đề nghị hướng dẫn với trường hợp các cơ sở không cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ cho áp dụng mức giá thu mua thủy sản bình quân tháng 10/2016. Riêng đối với số lượng sứa đã hỏng, cần sớm cho tiêu hủy toàn bộ.
Trong kết quả thẩm định, phê duyệt và chi trả bồi thường đối với thủy sản tồn kho, hiện, các hội đồng thẩm định, bồi thường thiệt hại cấp huyện đang triển khai áp giá để bồi thường, hỗ trợ. Đến nay, đã có 306,086 tấn thủy sản bị tiêu hủy do nhiễm phenol và hàm lượng cadimi vượt ngưỡng cho phép.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng đã đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm kê, bồi thường như: số lượng thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, sứa… (cả thủy sản thuộc đối tượng được hỗ trợ và chưa được đưa vào diện hỗ trợ) có dấu hiệu hư hỏng nhưng thiếu căn cứ, tiêu chuẩn để khẳng định không đảm bảo ATVSTP. Tỉnh chưa được phân lô lấy mẫu 1.024 tấn có dấu hiệu bị hư hỏng, chỉ có thể làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu hủy. Nhiều cơ sở tạm trữ kho đông, kho lạnh không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ để thực hiện áp giá. Hồ sơ chỉ có sổ ghi chép mua bán hàng ngày trước, trong thời gian sự cố, giá mua chênh lệch theo thời gian…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, việc tiêu thụ và xử lý thủy sản tồn kho trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Với số lượng thủy hải sản hư hỏng, đặc biệt là sứa cần phải được tiêu hủy sớm, tỉnh đã có kiến nghị Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Việc chậm xử lý sẽ ngày càng phát sinh nhiều khó khăn, hệ lụy, do đó, Hà Tĩnh mong muốn đoàn công tác phản ánh với Ban Chỉ đạo Trung ương; có thể bố trí các chuyên viên nghiên cứu thực trạng để báo cáo chi tiết, hướng dẫn, phối hợp cùng địa phương để sớm xử lý hải sản hư hỏng, thực hiện bồi thường cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, thực hiện giám sát Formosa, do tỉnh chưa có đầy đủ điều kiện thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ với những khó khăn của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Vấn đề này, nếu không giải quyết sớm sẽ còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội khác của tỉnh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, việc giải quyết thỏa đáng cho người dân là rất cần thiết, tuy nhiên, nguồn lực đền bù còn hạn chế. Do đó, Trung ương tập trung hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Về đơn giá, Trung ương xây dựng trên cơ sở đề xuất của địa phương. Việc giải quyết thủy, hải sản tồn kho được dựa trên các nguyên tắc: khẩn trương, chính xác, hợp lý, bám sát thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm chính.
Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị, trước mắt, địa phương phải giải quyết triệt để công tác bồi thường các đối tượng thuộc Quyết định 1880/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về sứa, nếu không sử dụng được thì cho tiêu hủy và tiến hành đền bù như với các loại cá khác. Liên quan đến các cửa hàng phục vụ ăn uống ven biển và các đối tượng bổ sung (cơ sở sản xuất nước mắm, ruốc…), đoàn sẽ có báo cáo cụ thể với Thủ tướng, Ban Chỉ đạo để có ý kiến chỉ đạo, nếu hợp lý, sẽ đồng ý cho bổ sung.