Ngày 29 tết, trong khi nhiều bệnh nhân được trở về nhà quây quần đón năm mới với gia đình thì những bệnh nhân khu chạy thận nhân tạo - Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) vẫn phải vào viện lọc máu để duy trì sự sống.
Cả khoa có gần 300 bệnh nhân chạy thận, chia làm hai ca (ngày chẵn và ngày lẻ). Mỗi ca có gần 150 bệnh nhân, được chia làm 3 khung giờ lọc máu, mỗi khung giờ gồm 50 người. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo trải qua 4 giờ đồng hồ lọc máu.
Đằng sau cánh cửa phòng bệnh nhân chạy thận, mỗi người một hoàn cảnh, có những nỗi lo, nỗi khổ riêng. Phải vào viện chạy thận những ngày tết cận kề, ai nấy đề không giấu được nỗi buồn.
Bà Nguyễn Thị Hòa (xã Hương Giang, huyện Hương Khê) đã có 6 năm chạy thận ở BVĐK tỉnh chia sẻ: “Còn 2 ngày nữa là tết, nhìn dòng người trên phố tấp nập mua sắm, con cháu sum vầy còn chúng tôi lại phải nằm ở viện, ai nấy đều chạnh lòng. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng chiến đấu với bệnh tật”.
Niềm động viên, an ủi của các bệnh nhân chạy thận dịp này là sự quan tâm của cộng đồng.
Sự quan tâm của các tấm lòng hảo tâm giúp các bệnh nhân có thêm niềm tin, hy vọng, lạc quan hơn với cuộc sống.
"Sáng nay, tôi cùng nhóm bạn vào Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) để thăm hỏi, tặng gần 100 suất quà cho các bệnh nhân. Chứng kiến bệnh nhân giành giật sự sống, chúng tôi ai nấy đều rất xúc động, hy vọng sẽ có thêm những sự gúp đỡ để cuộc sống của các bệnh nhân đỡ vất vả hơn" - chị Nguyễn Ánh Ngà (SN 1977, cựu học sinh trường Chuyên Hà Tĩnh) chia sẻ.
Đồng hành cùng những bệnh nhân chạy thận là đội ngũ y bác sỹ. Tất cả đều gác tết để chăm sóc, chữa trị cho các bệnh nhân.
Vì quy trình chạy thận cho một bệnh nhân không thể ngắt quãng được quá một ngày nên từ nhiều năm nay, hơn 10 cán bộ trực tiếp phụ trách khu chạy thận nhân tạo chỉ có 1 đến 2 ngày nghỉ tết.
Thông thường, kíp trực của một ngày chạy thận sẽ có 1 bác sỹ và 5 điều dưỡng làm việc. 5 năm làm điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) là ngần ấy thời gian chị Hoàng Thị Khánh không có được cái tết trọn vẹn bởi phải giành phần lớn thời gian ở viện.
Điều dưỡng Hoàng Thị Khánh chia sẻ: "Chạy thận mang tính chất chu kì, đến ngày đến giờ là bệnh nhân phải lọc máu, nếu chậm sẽ nguy hiểm. Hầu hết những bệnh nhân chạy thận đều có hoàn cảnh nghèo khó. Chúng tôi xem bệnh nhân như người nhà, luôn ân cần giúp đỡ, động viên tinh thần họ. Dịp tết, chúng tôi làm việc khẩn trương hơn ngày thường để mong họ sớm hoàn thành ca chạy thận kịp về đón tết".
Nằm trên giường bệnh với chằng chịt kim truyền, bà Nguyễn Thị Minh (64 tuổi, trú xã Xuân Hội, Nghi Xuân) xúc động: “Tôi chạy thận đã 4 năm nay, dịp tết nào chúng tôi cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người. Những món quà tết, lời động viên, an ủi giúp tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng tập luyện thể dục, ăn uống điều độ và chạy thận định kỳ để ổn định sức khỏe”.
Trên những chiếc giường bệnh tại Khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK Hà Tĩnh) trong tiết trời lạnh giá ngày cuối năm, tình người ấm áp không chỉ từ sự quan tâm hỏi han giữa những bệnh nhân đồng cảnh ngộ mà còn từ sự đồng hành, chăm sóc tận tình, tận tâm của đội ngũ y bác sỹ và những nhà hảo tâm.