Gương sáng thương binh
Ông Hoàng Văn Tam (SN 1959), thương binh hạng ¼ (tỷ lệ thương tật 83%) là nhân tố điển hình trong xóm thương binh. Bố ông Tam là liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị; gia đình có 7 anh em thì có 4 người đi bộ đội, trong đó em trai thứ 5 đã nằm lại ở nước bạn Lào. Bản thân ông Tam tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia (năm 1977) và bị thương nặng.
Ông Hoàng Văn Tam đã 2 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh dành cho người có công tiêu biểu
Sau khi điều trị, an dưỡng, ông được học nghề may và năm 1980 thì phân công về công tác ở Xí nghiệp May mặc thương binh Kỳ Anh. Tại đây, ông đã kết duyên với bà Phạm Thị Minh Thường, cùng quê Đức Thọ và gắn bó với quê hương thứ 2 - Kỳ Anh cho đến tận bây giờ.
Nhớ lại những ngày tháng vô cùng gian khó khi Xí nghiệp May mặc thương binh Kỳ Anh giải thể, ông Tam kể: “Tôi và gần 100 thương binh khác bắt đầu đối mặt với những thách thức nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Phần lớn anh em không chống chèo được nổi đã lần lượt về quê, chỉ còn gần 20 người quyết bám trụ ở khu vực xí nghiệp cũ, cố gắng từng bước mở hướng kinh doanh, nuôi sống gia đình”.
Cửa hàng kinh doanh của vợ chồng ông Tam đã phát triển thành một doanh nghiệp dịch vụ có doanh thu mỗi năm 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động
“Riêng gia đình tôi quyết định nhận lại quầy dịch vụ cũ của xí nghiệp để kinh doanh các mặt hàng tạp hóa. Xoay xở đồng vốn, rồi trầy trật tìm hướng chuyển dần từ tư duy bao cấp sang thị trường, vợ chồng tôi luôn nhắc nhau cố gắng xây dựng chữ tín với khách hàng. Để có thêm đồng vốn cho quầy tạp hóa, tôi còn tham gia dạy nghề may cho trung tâm đào tạo nghề của huyện, nhận may gia công cho các quầy hàng may mặc, rồi còn sắm bộ máy móc làm dịch vụ chiếu phim ở các xã. Trong cuộc vật lộn này, người bình thường đã khó chứ chưa nói tới người mang thương tật như chúng tôi. Nhiều lúc tưởng chừng bỏ cuộc về quê với ruộng vườn, nhưng rồi tôi đã nỗ lực vượt qua bằng ý chí và lòng tự trọng của người lính và cả sự thôi thúc phải tạo niềm tin, động lực cho các gia đình thương binh khác vượt qua thử thách” - ông Tam chia sẻ.
Cơ sở tạp hóa của gia đình ông Tam giờ đã chuyển sang loại hình kinh doanh doanh nghiệp, là đại lý cấp 1 của nhiều hãng sản xuất các mặt hàng bia, nước ngọt, với 5 chiếc xe vận chuyển hàng, doanh thu mỗi năm 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 công nhân.
Điều đặc biệt là trong suốt quá trình gây dựng sự nghiệp, ông Tam luôn là điểm tựa của anh em trong xóm thương binh, từ đồng vốn kinh doanh đến chia sẻ với việc vui buồn.
Đến mối đoàn kết các gia đình thương binh
Những cựu chiến binh trong xóm thương binh thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống
Ông Phan Xuân Bình, nguyên là bí thư chi bộ Xí nghiệp May mặc thương binh Kỳ Anh, người cùng ông Tam xây dựng các hoạt động của cụm liên gia các gia đình thương binh cho biết: “Chúng tôi ở đây mỗi người một quê, gắn bó với mảnh đất Kỳ Anh, cùng nhau chia sẻ buồn vui với nhau hàng chục năm qua. Vì vậy, khi vận động xây dựng các hoạt động của tập thể xóm thương binh, mọi người đều đồng tình, phấn khởi. Chúng tôi đã xây dựng quy chế hoạt động bài bản và gia đình nào cũng tích cực đóng góp quỹ để thực hiện các hoạt động một cách thiết thực, có ý nghĩa”.
Được biết, trong 15 hộ thương binh từ Xí nghiệp May mặc thương binh Kỳ Anh hiện đang sinh sống ở Tổ dân phố 2, phường Sông Trí, có 4 thương binh nặng (hạng ¼) và có 4 người là đảng viên. Hầu hết các hộ hiện nay vẫn đang giữ nghề buôn bán, người thì mở ki-ốt ngay tại nhà, người có quầy hàng ở chợ thị xã Kỳ Anh.
Ông Tô Hữu Lục, Tổ trưởng Tổ dân phố 2 (người bên trái) thường trao đổi và tranh thủ sự ủng hộ của gia đình ông Tam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH trên địa bàn
Ngoại trừ một số hộ buôn bán lớn như ông Tam, ông Bình…, còn lại chủ yếu quy mô buôn bán vừa và nhỏ, dù thu nhập chưa vượt trội nhưng không có gia đình nào quá khó khăn. Mỗi năm, trong những dịp lễ, các gia đình thường tập trung gặp gỡ, tổ chức các hoạt động giao lưu vui vẻ, đoàn kết. Và bất cứ lúc nào có việc vui, buồn, các gia đình đều tập trung cùng lo liệu, hỗ trợ lẫn nhau.
Ông Tô Hữu Lục, Tổ trưởng Tổ dân phố 2 cho biết: “xóm thương binh là cụm dân cư tiêu biểu bởi họ có tinh thần tương thân tương ái rất cao và luôn ý thức đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Hiện có 5 gia đình không phải là thương binh sống ở gần đó cũng đã đăng ký vào tham gia sinh hoạt, đưa tổng số thành viên của xóm thương binh lên 20 hộ. Tấm gương của nhiều gia đình thương binh đã có sự tác động sâu sắc tới lối sống của bà con trong khu vực, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ về sự đoàn kết cộng đồng và ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển của địa phương”.