Lấy chồng, bà Tứ (người mặc áo sọc đỏ) còn được "cưới" thêm cả những người con riêng của chồng và em gái chồng (người ngoài cùng bìa trái) mắc bệnh thần kinh.
Năm 1990, sau những lỡ dở của “chuyến đò cũ”, bà Nguyễn Thị Tứ (SN 1949) và ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1946) gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. Chồng bà còn có 4 người con riêng và 1 người em gái mắc bệnh tâm thần.
Những đứa trẻ ngày ấy đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tuổi. Ở lứa tuổi chưa đủ khôn lớn nhưng cũng chẳng phải nhỏ dại, để dạy bảo, chăm sóc các con không hề dễ dàng. Thế nhưng, bằng tất cả sự bao dung và tình yêu thương, bà Tứ đã thực sự là một người mẹ hiền mà những đứa trẻ đang cần.
Mỗi ngày, bà Tứ hái rau mang ra chợ bán những mong kiếm thêm đồng tiền nuôi sống chồng và em gái chồng.
Bà Tứ chia sẻ: “Cuộc sống ngày trước vất vả, khổ sở vô cùng, tôi buôn bán ở chợ, ông ở nhà đi làm thuê. Quần quật ngày này qua ngày khác như vậy nhưng vẫn không đủ ăn, thậm chí có lúc vợ chồng đành nhịn đói để các con được no.
Năm 1996, khi người con trai đầu bị tai nạn nặng, lúc đó tôi vừa ngược xuôi vừa chăm con trai ở viện, vừa lo bữa ăn cho các con nhỏ và người em gái chồng bị bệnh ở nhà. Nói không vất vả là nói dối nhưng vì các con, vì chồng, tôi không bao giờ phân vân bởi những gì mình đã làm”.
Sau chăm sóc các con, bà Tứ chăm sóc cháu ngoại
Dường như càng trong khốn khó, cả gia đình lại càng bao bọc, che chở cho nhau nhiều hơn. Những lần “thức khuya dậy sớm” đi chợ, những bữa ăn ngon bà cố gắng mang về cho các con, những đêm trắng chăm con ốm hay những bộ quần áo mới bà dành dụm tiền sắm cho con trong năm học mới hay khi tết đến... tất cả yêu thương gói trong từng cử chỉ, hành động, lời nói đều được những đứa trẻ cảm nhận rõ.
“Từ những ngày đầu coi bà Tứ là người lạ, dần dần trong cuộc sống của 4 đứa trẻ không thể thiếu được người mẹ hiền là bà Tứ. Cuộc sống gia đình nhỏ đó khó khăn vẫn chồng chất, thế nhưng luôn rộn tiếng cười và những tiếng gọi mẹ con đầy tình cảm, tôi cũng cảm thấy vui lây cho họ” - một người hàng xóm của bà Tứ cho hay.
Hơn 30 năm trôi qua với bao vất vả, nhọc nhằn những tưởng khi con cái lớn khôn, có gia đình riêng bà sẽ đỡ lo toan. Thế nhưng, cuộc sống của các con bà cũng còn nhiều chật vật, ngày ngày bà Tứ vẫn trồng rau đi chợ bán những mong kiếm thêm thu nhập để tự lo cho cuộc sống gia đình, các con bớt lo toan.
Chăm sóc người em chồng bệnh tật và cả chồng bị bệnh tai biến mạch máu não nhưng chưa một ngày bà Tứ than vãn. Với bà, các con cháu lâu lâu về thăm là bà cảm thấy hạnh phúc nhất.
Oái oăm hơn, khi cách đây 7 năm, ông Tiến bị tai biến mạch máu não; căn bệnh tâm thần của em gái chồng ngày càng có dấu hiệu nặng thêm, mọi khó khăn lại dồn lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé. Vậy mà, chẳng bao giờ bà kêu ca, oán thán, trái lại bà Tứ vẫn luôn dành nụ cười rạng rỡ nhất để đối diện với tất cả. Bà nói: “Mình làm mẹ mà, dù có không làm được gì nữa thì cũng phải là động lực, niềm tin cho con cháu chứ”.
Chị Nguyễn Thị Chung, người con gái thứ 3 xúc động: “Mẹ đã vắt kiệt sức cho gia đình, cho sự lớn khôn của anh em tôi ngày hôm nay. Với mẹ, dẫu có bao nhiêu yêu thương, săn sóc của chúng tôi cũng không thể đền đáp được công ơn trời biển đó.
Chúng tôi chỉ có thể cố gắng sống tốt hơn, dạy các con mình ngoan ngoãn, kính trọng ông bà nhiều hơn để bố mẹ được vui lòng. Chúng tôi không may mắn được sinh ra từ bụng mẹ, nhưng chúng tôi đã được lớn lên từ trong tim mẹ!”.