Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cuối năm Tân Sửu, giữa bao bộn bề công việc, những chuyến đi mang yêu thương đến với người có công, gia đình chính sách ở Hà Tĩnh vẫn được các tổ chức, đoàn thể thực hiện chu đáo. Và, không riêng dịp tết, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt.

Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Châu - vợ liệt sỹ Lê Hải Thanh (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) phấn khởi khi được đón tết trong ngôi nhà mới, khang trang hơn

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Châu (77 tuổi, ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) rất vui khi vừa được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới. Bà là vợ liệt sỹ Lê Hải Thanh (hy sinh năm 1971, tại chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị), sống neo đơn trong căn nhà đã xuống cấp.

Trước hoàn cảnh khó khăn của bà Châu, tháng 10/2021, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam và Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ 60 triệu đồng; cấp ủy, chính quyền xã và họ hàng, làng xóm đã ủng hộ thêm tiền và ngày công để giúp bà Châu sửa chữa, hoàn thiện ngôi nhà.

Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

Cán bộ chính sách xã Đỉnh Bàn thăm hỏi, động viên bà Nguyễn Thị Châu.

Sửa soạn đón tết trong ngôi nhà vững chãi, bà Châu không giấu được niềm vui: “Nhiều năm nay, tôi thường xuyên nhận được tình cảm, sự chia sẻ của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân, nhất là trong những dịp lễ, tết. Tuy sống neo đơn nhưng tôi không cô độc. Mùa xuân năm nay, niềm vui càng nhân lên khi tôi có căn nhà mới để yên tâm an dưỡng tuổi già”.

Quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của các thương binh và gia đình người có công được xã Đỉnh Bàn xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Năm 2021, xã Đỉnh Bàn đã huy động xã hội hóa được gần 1,4 tỷ đồng làm mới và sửa chữa nhà ở cho 14 gia đình người có công.

Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, huyện Hương Sơn trao tặng số tiền 50 triệu hỗ trợ làm nhà mới cho bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1938), ở thôn Hùng Tiến, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn - vợ của liệt sỹ Đào Xuân Kiểm, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời gian qua, các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt chủ trương, chính sách và chăm lo, giúp đỡ các thương binh, gia đình người có công. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa được ngành LĐ-TB&XH và các địa phương tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

Cán bộ Bưu cục xã Kỳ Bắc, huyện kỳ Anh chi trả trợ cấp ưu đãi qua hệ thống bưu điện cho người có công.

Năm 2021, ngoài thực hiện Quyết định số 22-QĐ/TU ngày 20/11/2020 của Tỉnh ủy (về hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh), toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa nguồn lực, hỗ trợ xây mới 715 nhà ở cho người có công với số kinh phí hơn 50 tỷ đồng; tổ chức tặng 228.404 suất quà cho người có công với tổng trị giá trên 53,8 tỷ đồng; chi trả kịp thời, đúng quy định trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho hơn 44.000 người có công với kinh phí hơn 684 tỷ đồng; trợ cấp 1 lần cho 22.105 người với kinh phí 40,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong dịp tết Tân Sửu và ngày thương binh - liệt sỹ, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã tặng 227.304 suất quà cho người/gia đình người có công với tổng trị giá trên 52 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Thị Mai Hoa cho biết: Đến nay, hơn 98% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.

Ấm lòng người có công ở Hà Tĩnh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân và lãnh đạo huyện Vũ Quang thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Nhỏ (SN 1922, trú thôn 3, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang)

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng đến tận cơ sở và người dân; giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định; triển khai hướng dẫn, tập huấn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành của bộ, ngành Trung ương.

Đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa...

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.