Hà Tĩnh là vùng quê nghèo khó của dải đất miền Trung. Từ bao đời nay, người dân luôn phải đối mặt, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh. Thử thách đã tôi rèn cho con người nơi đây tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính trong những thời điểm đó, những chủ trương sáng suốt, kịp thời đã được ban hành, tinh thần đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân được phát huy, tạo sức mạnh để cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Hơn 100 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ đã được xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, cuối tháng 10/2020, 2 trận lũ lớn đã liên tiếp xảy ra trên địa bàn làm hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng, 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều công trình hạ tầng bị tàn phá nặng nề, tổng thiệt hại lên đến trên 5.300 tỷ đồng.
Nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết số 01/NQ/TU) của nhiệm kỳ đã được BTV Tỉnh ủy kịp thời ban hành với nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là huy động cả hệ thống chính trị tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống cho Nhân dân; đồng thời, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chính sách được ban hành kịp thời, các cấp, ngành khẩn trương vào cuộc. Kết quả là đã xây dựng được hơn 100 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; 7.477 nhà ở kiên cố cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai... Cũng từ tinh thần Nghị quyết 01, 24 căn nhà ở của người dân làng chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ) được khởi công từ nguồn xã hội hóa, chấm dứt cảnh phải sống lênh đênh trên sông nước, đưa người dân nơi đây bước sang một trang mới của cuộc đời.
Khu tái định cư làng vạn chài Tiền Phong là công trình mang dấu ấn đậm nét của chủ trương nhân văn, sự chung tay của cộng đồng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của BTV Tỉnh ủy, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã quyết định trích gần 53 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 757 căn nhà cho hộ nghèo vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tích cực phối hợp, tham mưu các địa phương, đơn vị triển khai dự án xây dựng 1.000 căn nhà cho người nghèo từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của Bộ Công an. Các cấp, ngành, địa phương tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa khác để chăm lo chốn an cư cho người nghèo.
Bày tỏ niềm vui khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ chính sách nhân văn, ông Lê Viết Đâng (SN 1948 - giáo dân Giáo xứ Nhượng Bạn, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Vợ chồng tôi già cả, ốm đau thường xuyên vẫn phải sống trong căn nhà xuống cấp; mỗi mùa mưa bão về không khỏi lo lắng. May mắn được nhận hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn xây nhà đại đoàn kết, gia đình tôi vay mượn thêm họ hàng, làng xóm đã xây được căn nhà khang trang, thỏa lòng mong ước bấy lâu. Tết năm nay, gia đình được đón một cái tết sum vầy, ấm áp hơn”.
Gia đình ông Lê Viết Đâng (thứ 4 từ trái sang) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết.
Ba năm đầu của nhiệm kỳ đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực đã được kịp thời ban hành và triển khai. Đặc biệt, tháng 8/2021, tỉnh đã thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” để nâng bước, đồng hành cùng các em trên giảng đường đại học.
“Đến năm thứ 3 triển khai, đã có 316 em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến giảng đường với số tiền trung bình 2 triệu đồng/em/tháng; mỗi sinh viên được hỗ trợ từ 80-150 triệu đồng trong quá trình học đại học. Nhiều em đã được các tổ chức, cá nhân tiếp cận, hỗ trợ trước khi quỹ tiến hành khảo sát, điều đó càng khẳng định sức lan tỏa và ý nghĩa của chủ trương này”, ông Đoàn Đình Anh - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chia sẻ.
Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều em sinh viên nghèo.
Là một trong những sinh viên đang được Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” đồng hành, em Hà Thị Ý (quê xã Tùng Lộc, Can Lộc - hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: “Nếu không có nguồn kinh phí mỗi tháng 2,5 triệu đồng được ban quản lý quỹ đều đặn chuyển vào tài khoản thì em sẽ khó mà theo đuổi được ước mơ trên giảng đường. Tết này, em còn được hỗ trợ vé xe để về quê ăn tết với gia đình. Những sự quan tâm này thực sự là chỗ dựa vững chắc, động lực để các sinh viên nghèo như em nỗ lực học tập, thay đổi tương lai”.
Song song với việc thực hiện kịp thời các chương trình hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn trước mắt, Hà Tĩnh là địa phương đã quan tâm đồng bộ về công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn với tổng kinh phí thực hiện các chính sách giai đoạn 2021-2025 hơn 4.000 tỷ đồng, quy mô đối tượng hưởng lợi từ chính sách lên đến 750.000 người. Tiêu biểu như các chính sách: trợ giúp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; hỗ trợ thu nhập cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội...
Chương trình hỗ trợ sinh kế đã giúp người nghèo có thêm cơ sở, động lực để thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, phong trào “Vì người nghèo” được đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Ngọc Hải cho biết: “Với sự quan tâm, tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, người nghèo ở Hà Tĩnh bước đầu vượt qua khó khăn về nhà ở, sinh kế. Tính riêng năm 2023, quỹ “vì người nghèo” các cấp đã vận động được hơn 157 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất; tặng quà, hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh, học bổng cho hàng nghìn lượt người... Riêng MTTQ đã vận động nguồn lực và phối hợp hỗ trợ xây 2.486 nhà ở trị giá gần 180 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 9 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ trị giá 18 tỷ đồng”.
Những chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo trong 3 năm đầu nhiệm kỳ đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy nguồn nội lực và huy động sự chung tay của toàn xã hội để chăm lo cho cuộc sống người dân, thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,01% (giảm 0,78% so với năm 2022). Những kết quả đó sẽ là cơ sở, góp phần quan trọng để Hà Tĩnh thực hiện thành công đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM vào năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.