Bất an khi qua điểm giao cắt với đường sắt ở huyện miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đoạn đường giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh ở xã Đức Liên (Vũ Quang, Hà Tĩnh) không có rào chắn, không có hệ thống cảnh báo tự động nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khi lưu thông.

Video: Người dân xã Đức Liên thấp thỏm khi lưu thông qua điểm giao cắt đường sắt

Theo phản ánh của người dân xã Đức Liên, điểm giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh nối từ thôn Liên Châu với 3 thôn: Liên Hòa, Bình Quang, Tân Lệ, mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu đi qua. Thế nhưng, điểm giao cắt này hàng chục năm nay không được lắp đặt rào chắn, không có nhân viên đường sắt trực gác nên tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.

Bất an khi qua điểm giao cắt với đường sắt ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Điểm giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh nối từ thôn Liên Châu với 3 thôn: Liên Hòa, Bình Quang, Tân Lệ (xã Đức Liên) không có rào chắn cũng như hệ thống cảnh báo tự động.

Bà Nguyễn Thị Bích (thôn Liên Hòa) cho biết: “Đây là tuyến đường độc đạo để người dân thôn Liên Châu, Liên Hòa, Bình Quang, Tân Lệ đi đến trung tâm xã, vùng đất màu sản xuất và các khu vực lân cận. Mỗi ngày có hàng trăm lượt người lưu thông qua đây. Thế nhưng, tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh không có rào chắn hay người trực gác. Mặc dù người dân đã có nhiều ý kiến phản ánh lên chính quyền, cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn không được khắc phục".

Bất an khi qua điểm giao cắt với đường sắt ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Không rào chắn, người dân xã Đức Liên “mạnh ai nấy đi”.

Cũng theo bà Bích, nhiều vụ va chạm đã xảy ra nhưng rất may chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về trâu, bò thì đã xảy ra nhiều.

Theo quan sát của PV, tuyến đường dân sinh băng qua đường ray tàu hỏa khá rộng, nhưng không được lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: rào chắn, hệ thống cảnh báo tự động...

Dù Luật Giao thông đã quy định khi lưu thông qua đường giao với đường sắt không có rào chắn thì người tham gia giao thông phải dừng trước đường ray với khoảng cách tối thiểu là 5m, phải chú ý quan sát... Trên thực tế, không phải ai cũng thực hiện đầy đủ yêu cầu này.

Bất an khi qua điểm giao cắt với đường sắt ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Mỗi ngày, tại điểm giao cắt có hàng chục chuyến tàu chạy qua.

Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Liên Hòa) cho biết: “Điều để người dân đi qua đây nhận biết nguy hiểm duy nhất chỉ là tiếng tàu chạy hay tiếng còi tàu lúc có, lúc không... Đường rộng, nhiều xe qua lại nhưng không hề có biện pháp bảo vệ cho người dân, nhất là trẻ em đạp xe đi học thường không chú ý nên nguy hiểm luôn thường trực”.

Chủ tịch UBND xã Đức Liên Lê Văn Hùng cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống cảnh báo bằng âm thanh, gác chắn, gờ giảm tốc; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông qua đường sắt. Tuy nhiên, mong mỏi đó của chính quyền và người dân đến nay vẫn chưa được giải quyết...

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.