Cuối năm 2017, anh Hồ Xuân Hoàng (trú thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn) tiến hành làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp bìa đỏ cho 11,6 ha đất lâm nghiệp vùng Bãi Cháng. Thế nhưng, hồ sơ xin cấp đất gửi lên xã đã hơn 1 năm nay vẫn “biệt vô âm tín”.
Sau nhiều lần tìm gặp, điện thoại thúc giục thì được cán bộ địa chính xã Ngọc Sơn Trần Trọng Hồng trả lời: Hồ sơ đã chuyển lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà từ… hơn 6 tháng nay. Nhưng lý do chưa giải quyết, cấp bìa thì ông Hồng “không biết”.
Một số hộ dân xã Ngọc Sơn bức xúc vì bị "ngâm" hồ sơ cấp quyền sử dụng đất
Cũng với câu trả lời “hồ sơ đã chuyển 6 tháng”, ông Trương Quốc Lam (trú thôn Nam Sơn) vẫn chưa nhận được bìa đỏ cho lô đất có diện tích 2.000 m2 tại thôn Ngọc Hà. Ông Lam bức xúc: “Với người dân chúng tôi, đất đai là một tài sản lớn. Thửa đất này tôi mua của Nông trường Thạch Ngọc, nay muốn có cái bìa để còn thế chấp, lấy vốn phát triển kinh tế gia đình. Vậy mà, không biết tại sao đến nay vẫn chưa được cấp. Nếu thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ thì ông Hồng - cán bộ địa chính xã (người trực tiếp nhận hồ sơ - P.V) phải trả lời, hướng dẫn cho tôi biết chứ”.
Không chỉ anh Hoàng, ông Lam mà trên địa bàn xã Ngọc Sơn, vẫn còn nhiều trường hợp gửi hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ đang phải "dài cổ" chờ đợi. Điển hình như ông Nguyễn Hữu Dục có thửa đất 1.500 m2 ở thôn Ngọc Hà, dù hồ sơ đất đã được hoàn thành, gửi lên cán bộ địa chính xã Ngọc Sơn mấy tháng nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Đặc biệt, anh Trần Văn Hùng (thôn Nam Sơn), có thửa đất ở ổn định lâu dài. Giữa năm nay, anh xây dựng thêm 1 ki-ốt nên “nôn nóng” làm bìa đỏ để “thế chấp, vay vốn kinh doanh”. Nhưng 2 tháng nay, hồ sơ vẫn bị “ngâm” ở cán bộ địa chính xã. Anh Hùng cho biết: "Khi làm hồ sơ xin cấp bìa đỏ, vì có mối quan hệ quen biết, tôi cũng tự tin nộp hồ sơ theo đúng quy định. Ai ngờ, đã tháng rồi mà vẫn chưa được giải quyết. Gọi điện thì anh Hồng trả lời: Bận làm nông thôn mới" (?!).
Căn nhà hiện tại của bà Dương Thị Ty đã xuống cấp...
Tréo ngoe hơn, bà Dương Thị Ty (86 tuổi, thôn Nam Sơn) thuộc hộ gia đình chính sách, sống đơn thân trong căn nhà xập xệ, xuống cấp. Đầu năm 2018, bà Ty bỏ móng để làm nhà trên mảnh đất của gia đình được Nông trường Thạch Ngọc cấp theo diện di dân kinh tế mới những năm 1980. Thế nhưng, khi làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ trình lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, cán bộ địa chính xã Trần Trọng Hồng đã đưa vào diện đất màu. Vì vậy, bà Ty buộc phải đình chỉ thi công nhà ở.
Bà Dương Thị Ty bỏ móng làm nhà trên mảnh vườn này thì phải đình chỉ vì cán bộ địa chính xã xác nhận là đất màu.
Và, cho đến thời điểm này, gia đình bà Ty vẫn chưa nhận được văn bản trả lời, hướng dẫn. Vì vậy, bà Ty đã có đơn gửi UBND huyện Thạch Hà và UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Ngọc Sơn chủ trì kiểm tra, giải quyết và trả lời trước ngày 10/12.
Và đến thời điểm này, bà Ty vẫn đang trông ngóng một văn bản trả lời chính thức của UBND xã Ngọc Sơn
Làm việc với chúng tôi ngày 30/11, ông Trần Trọng Hồng – cán bộ địa chính xã Ngọc Sơn, cho biết: “Một số hồ sơ xin cấp đất của các hộ dân chưa giải quyết được do chưa đúng quy trình, thủ tục và sai sót về diện tích. Riêng đất của bà Ty, trên bản đồ 299 thể hiện là đất màu (mã BHK) và thuộc quyền quản lý của UBND xã”.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng thừa nhận: Việc giải quyết hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của xã vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do thời điểm này, xã đang tập trung về đích nông thôn mới nên chưa hoàn thiện được thủ tục hồ sơ?!
Trao đổi với chúng tôi sáng 4/12, ông Thân Văn Quý - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Hà, cho biết: "Xã Ngọc Sơn có 838 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ. Đến thời điểm này, toàn xã còn 74 hồ sơ đang thẩm định tại Văn phòng đăng ký huyện, 87 hồ sơ chưa đủ điều kiện và 57 hồ sơ đã có thông báo nhưng nhân dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc chậm trình hồ sơ như phản ánh của một số người dân có thể là do việc xác định nguồn gốc đất đai ban đầu có nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo, kiểm tra và tham mưu giải quyết dứt điểm".