Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

(Baohatinh.vn) - Việc xử lý rác thải phát sinh từ hoạt động buôn bán tại các chợ dân sinh nhằm đảm bảo môi trường luôn khiến các địa phương ở Hà Tĩnh phải “đau đầu”. Hiệu quả mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” sẽ là “lời giải” cho vấn đề nan giải này.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải luôn là vấn đề khiến các địa phương ở Hà Tĩnh gặp khó.

Nằm ở vị trí trung tâm của xã, lại có điều kiện giao thông thuận lợi nên chợ Cầu (xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên) luôn có lượng lớn tiểu thương và người dân tham gia mua bán, tiêu thụ nhiều loại mặt hàng. Hoạt động buôn bán tấp nập ở chợ dân sinh này làm cho lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khá lớn.

Theo tính toán, trung bình mỗi ngày, BQL chợ Cầu phải thu gom trên 200 kg rác thải các loại. Rác thải ở chợ thường được thu gom, tập kết rồi vận chuyển tới bãi rác tập trung của thôn để xử lý. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thu dọn rác nhưng với lượng rác phát sinh nhiều nên có thời điểm, rác thải bị ùn ứ, tồn đọng gây ô nhiễm môi trường tại chợ Cầu.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Rác thải hữu cơ được phân loại trước khi mang tới hố ủ phân ở chợ Cầu, xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên.

Vào đầu tháng 3/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cẩm Xuyên phối hợp với chính quyền xã Cẩm Lộc tiến hành xây dựng mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” ngay phía sau chợ Cầu (gồm 2 hố ủ phân có diện tích 15 m2 với mức đầu tư 15 triệu đồng) để xử lý số rác thải phát sinh.

Sau khi được phân loại, rác thải hữu cơ như lá cây, rau, củ, quả, thức ăn thừa, trái cây… sẽ được bỏ vào hố ủ rác. Mỗi một lớp rác sẽ được ủ với một lớp chế phẩm sinh học và đậy nắp kín, sau 45 ngày sẽ thành phân. Số phân vi sinh được Hội LHPN xã Cẩm Lộc bán cho người dân địa phương để gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Rác thải hữu cơ được phân loại và xử lý thành phân vi sinh.

Bà Nguyễn Thị Sinh – thành viên BQL chợ Cầu (xã Cẩm Lộc) cho hay: Dù đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” đã cho thấy tín hiệu đáng tích cực bởi rác thải hữu cơ đều được thu gom, xử lý kịp thời, đảm bảo môi trường; đồng thời, giảm được chi phí vận chuyển khi rác thải đều được xử lý tại chỗ, thay vì phải đưa tới địa điểm xử lý tập trung.

Từ hiệu quả của mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” tại chợ Cầu (xã Cẩm Lộc), Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này ra 5 chợ trên địa bàn các xã: Cẩm Vịnh, Cẩm Trung, Cẩm Lạc, Cẩm Thịnh…

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Mô hình xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh ở xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên).

Ông Lê Văn Bình – thành viên BQL chợ Xép (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) cho hay: Cách đây 4 tháng, địa phương hỗ trợ 30 triệu xây dựng 3 hố ủ phân vi sinh từ rác thải tại chợ Xép. Với 3 hố ủ phân này, không chỉ xử lý được rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động buôn bán của chợ mà còn hỗ trợ một số gia đình lân cận xử lý rác sau khi phân loại.

Là một trong những địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022, vậy nên, tiêu chí môi trường được xã Cẩm Vịnh tập trung xử lý. Hiệu quả từ mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” tại chợ Xép góp phần xử lý hiệu quả vấn đề rác thải, xây dựng nông thôn ngày càng sạch, đẹp, môi trường trong lành.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Xã Cẩm Vịnh hướng tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2022.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Xuyên Trần Thị Thanh Liên cho hay: Từ khi mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” được triển khai, tiểu thương và người dân mua bán ở các chợ trên địa bàn đã có ý thức hơn trong việc phân loại, xử lý rác thải.

Cùng với đó, phân bón hữu cơ vi sinh giúp tăng năng suất cây trồng từ 20 – 50%, hạn chế được sâu bệnh, cải tạo đất tốt, tăng độ tơi xốp, màu mỡ cho đất tốt hơn so với phân bón hóa học nên rất được người dân ưa chuộng

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” tại chợ Hôm, xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ.

Ngoài huyện Cẩm Xuyên, việc xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại các chợ dân sinh cũng được các địa phương khác ở Hà Tĩnh tích cực triển khai.

Trong số này có chợ Hôm ở xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ. Chợ có gần 200 quầy hàng kinh doanh, buôn bán, chủ yếu là các loại thực phẩm, rau củ, quả... do vậy, mỗi ngày, lượng rác thải, nhất là rác thải hữu cơ phát sinh khá lớn với khối lượng từ 200 – 250 kg.

Để xử lý số rác thải phát sinh tại chợ Hôm, Hội LHPN huyện Đức Thọ phối hợp với BQL chợ triển khai xây dựng mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” khi xây dựng 4 hố (3 hố xử lý rác hữu cơ và 1 hố tập kết rác thải khó phân hủy) có nắp đậy, mái che kiên cố.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Phân vi sinh được người dân Đức Thọ ưa chuộng khi góp phần tăng năng suất cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế thay vì dùng phân hóa học.

Từ khi đi vào hoạt động vào tháng 8/2021 tới nay, mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” tại chợ Hôm không chỉ giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường mà còn tạo ra 5 tấn phân bón, cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu trồng cây trên địa bàn.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Phân vi sinh được người dân sử dụng bón cho cây trồng.

Nhằm khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải”, HĐND huyện Đức Thọ đã ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng các hố xử lý rác thải tại các chợ dân sinh với mỗi điểm xử lý được hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng.

Với hiệu quả từ mô hình và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền thì tới nay, ngoài chợ Hôm ở xã Thanh Bình Thịnh đã có thêm 6 chợ dân sinh ở các xã Bùi La Nhân, thị trấn Đức Thọ cùng triển khai.

Các chợ ở Hà Tĩnh “biến” rác thải thành phân vi sinh

Việc xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh tại các chợ trên địa bàn tỉnh góp phân giảm áp lực cho việc xử lý rác của các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quyên cho hay: Trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng gây áp lực trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý cho các địa phương thì hiệu quả từ mô hình “Ủ phân vi sinh từ rác thải” tại 11 chợ dân sinh ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ đã giảm thiểu tới 90% lượng rác thải phát sinh ra môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần quan trọng trong củng cố, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, qua thành công bước đầu tại các chợ dân sinh ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hội LHPN tỉnh đang khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...