Ông Cao Đình Thục tiến hành xới đất bề mặt gốc cho cây bưởi để chuẩn bị tiến hành đào rãnh, bón phân...
Ông Cao Đình Thục cùng gia đình anh trai có 2 ha bưởi Phúc Trạch tập trung tại thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên; sản lượng mỗi mùa thu hoạch đạt hàng chục tấn quả. Vụ bưởi năm 2022, gia đình ông cơ bản đã thu hoạch hết quả. Để vườn cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao vụ quả tiếp theo, những ngày này, ông Thục cùng các con, cháu tập trung cắt tỉa cành, xới đất để chắn rễ, phơi rễ, chuẩn bị bón phân.
... đồng thời chuẩn bị các loại thuốc bảo vệ thực vật để xử lý sâu bệnh.
Ông Thục chia sẻ: “Khi thời tiết thuận lợi, gia đình nhanh chóng hoàn thành gieo trỉa cây vụ đông để tập trung cho việc chăm sóc bưởi. Đáng nói, cuối vụ thu hoạch vừa qua xảy ra mưa lũ, dù không có thiệt hại nhưng cây ăn quả bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Bởi vậy, chúng tôi khẩn trương xử lý các mầm mống sâu bệnh, đặc biệt là các loại nấm độc, bệnh chảy gôm… Những ngày nắng ráo, gia đình cũng tranh thủ xới gốc, chắn rễ tơ, rễ cám… để chuẩn bị bón phân trong những ngày tới”.
Trong mùa mưa lũ, cây bưởi thường mắc bệnh chảy gôm, cần được phát hiện và xử lý kịp thời.
Tại thôn 9, xã Hà Linh, bà con cũng đang tất bật xới gốc, đào rãnh, chuẩn bị bón phân cho bưởi. Bà Phạm Sen, người dân thôn 9 cho hay: "Mặc dù gia đình chỉ có 50 cây bưởi nhưng là nguồn thu nhập chính hằng năm. Đây là thời điểm quan trọng để cây bưởi hồi phục. Việc chăm sóc cây sau thu hoạch sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng của vụ tiếp theo. Do đó, gia đình đang khẩn trương thuê thêm nhân công, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đào rãnh, xới gốc để vài ngày tới bón phân cho cây.
Người dân xã Hà Linh (Hương Khê) đang tất bật xới gốc, đào rãnh, chuẩn bị bón phân cho bưởi.
Ông Võ Tá Tài - cán bộ Cơ sở Bảo tồn bưởi Phúc Trạch (xã PhúcTrạch, huyện Hương Khê) khuyến cáo: Sau thời kỳ mang quả, cây bưởi thường bị suy yếu, cần được chăm sóc đúng cách để mau hồi phục, chuẩn bị cho vụ tiếp theo đạt kết quả tốt. Những ngày nắng là thời điểm vàng để bà con nông dân phơi rễ và xử lý bộ rễ.
Bà con cần tranh thủ, kịp thời đào rãnh, chắn rễ có dấu hiệu hư hỏng, phơi rễ, kích rễ và xử lý sâu bệnh trước khi bón phân phục hồi cho cây bưởi (cần phơi 5-7 ngày để bộ rễ ổn định trước khi bón phân). Bên cạnh đó, chú ý tiến hành cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, cành vượt; tiến hành quét vôi vùng thân gốc cây để hạn chế sâu bệnh hại.
Các loại rễ có dấu hiệu hư hỏng, rễ tơ, rễ cám ngoài tán cần được chắn đứt và tiến hành kích thích để cây ra rễ mới.
Ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: Bưởi Phúc Trạch là cây trồng chủ lực của địa phương, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân. Hiện trên địa bàn huyện có 2.714 ha cây bưởi đặc sản Phúc Trạch, trong đó có 1.920 ha bưởi thời kỳ cho quả với tổng sản lượng trên 23.000 tấn mỗi năm, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.
Ngoài việc mở rộng diện tích, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc để đảm bảo sản lượng, năng suất. Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ chuyên môn phụ trách bám nắm cơ sở để tuyên truyền và kịp thời phối hợp hỗ trợ người dân về kỹ thuật chuyên môn trong chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng ngừa hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê cũng hướng dẫn và chỉ đạo UBND các xã trên địa bàn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch, phòng trừ bệnh hại nhằm tăng năng suất cây trồng.