Bài viết dưới đây có sự tư vấn của BS Phan Quốc Bảo (Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) giúp người bệnh có thể phân biệt rõ được 2 bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng để phòng và điều trị hiệu quả hơn.
1. Cách phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Viêm xoang là bệnh lý thể hiện tình trạng nhiễm trùng của lớp màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus hay tình trạng dị ứng dẫn tới phù nề, làm hẹp đường kính các lỗ xoang, dẫn tới các triệu chứng chảy mủ, ứ đọng dịch trong khoang mũi. Người bệnh có thể bị viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính.
Triệu chứng khi bị viêm xoang:
Đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má.
Ho dai dẳng, kéo dài, đặc biệt ho nhiều hơn vào ban đêm.
Dịch mũi chảy xuống vùng họng, dịch có thể chuyển sang màu xanh hoặc vàng, có thể kèm mủ và có mùi hôi do vi khuẩn phát sinh.
Bệnh nhân có thể bị nghẹt mũi, tắc mũi một hoặc cả hai bên mũi.
Suy giảm khứu giác, khó khăn trong việc ngửi mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi.
Hơi thở có mùi hôi khó chịu, có cảm giác đau răng ở hàm trên.
Ngứa mũi, nghẹt mũi và hắt hơi liên tục.
Đau hoặc sưng xung quanh khu vực mắt, khiến tầm nhìn bị hạn chế.
Sốt…
Viêm xoang không có tính di truyền. Nếu không được chữa trị kịp thời thì có thể biến chứng thành một số bệnh như: Viêm họng mạn tính, viêm màng não, viêm não, viêm xoang mũi mãn tính…
Phân biệt viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thể hiện sự phản ứng của hệ miễn dịch nhằm đáp ứng lại các chất đặc hiệu gọi là dị nguyên. Ví dụ về dị nguyên thường gặp là phấn hoa, lông vật nuôi trong nhà, bọ nhà,... Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng bao gồm: Hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ngứa mũi, ho, cảm giác đờm ở trong họng, ngứa mắt, chảy nước mắt...
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng:
Hắt hơi nhiều.
Chảy nước mũi liên tục.
Ngứa vùng mũi.
Đau nhức đầu.
Ngạt mũi, tắc mũi, khó thở.
Cơ thể mệt mỏi, chán ăn.
Giảm sự tập trung.
Ho dai dẳng.
Đỏ mắt, ngứa mắt.
Viêm mũi dị ứng là bệnh có thể do di truyền. Nếu không điều trị kịp thời, để tái phát nhiều lần có thể dẫn tới viêm xoang mạn tính và polyp mũi.
2. Cách chữa viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Chữa bệnh viêm xoang
Điều trị bằng nội khoa: Điều trị viêm mũi xoang bằng nội khoa chủ yếu áp dụng cho những trường hợp viêm xoang cấp tính. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc kháng dị ứng hoặc thuốc co mạch chống xuất tiết.
Điều trị bằng phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chữa viêm xoang cho các trường hợp sau đây:
Điều trị nội khoa nhưng không đem lại hiệu quả, bệnh xoang kéo dài và dai dẳng không dứt.
Phát hiện những tổn thương, bất thường ở vùng mũi xoang, chẳng hạn như polyp mũi có kích thước quá lớn, lệch vách ngăn mũi,…
Bệnh đã gây ra các biến chứng khá nguy hiểm như chèn vào dây thần kinh thị giác, viêm ổ mắt.
Phẫu thuật chữa viêm xoang.
Chữa viêm mũi dị ứng
Điều trị bằng nội khoa: Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để kê đơn thuốc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
Kháng sinh, steroids dạng uống, dạng xịt, co mạch đường uống, co mạch đường tại chỗ.
Kháng histamin dạng uống, dạng xịt.
Kháng cholinergic, thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào.
Thuốc kháng leukotriene.
Điều trị bằng phẫu thuật: Viêm mũi dị ứng điều trị bằng biện pháp phẫu thuật chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi, một số yếu tố thuận lợi về cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn.
3. Phòng ngừa viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Sử dụng một số vật dụng bảo vệ cơ thể khi đi ra ngoài để tránh các tác nhân gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là những ngày trời trở lạnh hoặc giao mùa như khẩu trang, áo khóa, mũ, khăn choàng…
Hạn chế tiếp xúc với những vùng có nhiều khói bụi, chất thải, khí hôi hay khói thuốc lá.
Tránh để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của quạt hay máy lạnh khi nằm ngủ hoặc khi ngồi làm việc.
Khi tắm hoặc đi bơi, nếu không may bị nước chảy vào lỗ mũi hoặc tai cần nhanh chóng xử lý và xử lý đúng cách để tránh làm tổn thương đến vùng xoang.
Chú trọng nhiều hơn đến chế độ ăn uống. Nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng. Hạn chế tối đa việc sử dụng các thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng hoặc gây ngứa mũi.
Tăng cường vận động cơ thể để tăng sức đề kháng cũng như cải thiện sức bền của cơ thể, giải tỏa sự căng thẳng.
Khi xuất hiện một số triệu chứng như: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, tắc mũi,... cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị kịp thời, phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng.
Cần tránh các tác nhân ô nhiễm môi trường để phòng tránh viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng như phấn hoa, khói bụi, lông thú, hóa chất…
Khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm đề phòng viêm đường hô hấp.
Chú ý giữ vệ sinh mũi, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi.
Có chế độ ăn uống khoa học, tránh ăn các thức ăn có thể gây dị ứng.
Tránh uống các chất kích thích, tránh xa khói thuốc lá.
Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể, giảm béo phì.