Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch Hán Nôm đến từ các tỉnh thành như Nghệ An, Hà Nội…
Hà Tĩnh hiện còn lưu giữ một di sản văn hóa thành văn Hán Nôm vô cùng đồ sộ, phong phú và quý giá như: văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự…
Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Thị Thúy trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo.
Các tài liệu khá đa dạng về loại hình chất liệu, dựa trên chất liệu có thể phân thành 6 loại sau: giấy dó (sắc phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn cúng…); giấy sắc vàng – giấy Long đằng (sắc phong thần, chế phong ban cho đại thần và những người trong hoàng tộc); vải -lụa (tài liệu hương ước); đồng (chuông, khánh đồng, sách đồng); gỗ (hoành phi, câu đối, biển gỗ, mộc bản…); đá (văn bia).
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Lê Văn Tùng (Hà Tĩnh): Cán bộ Hán Nôm cần sâu sát cơ sở, tiếp xúc các cụ cao niên để sưu tầm, tìm hiểu nhiều hơn nữa về các tư liệu Hán Nôm
Tuy nhiên, qua thời gian, dưới dự tác động của chiến tranh, thiên tai và con người, các tư liệu đã mất mát, hư hỏng nhiều. Do vậy, những di văn trên đất Hà Tĩnh là di sản văn hóa cần phải được thu thập, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vốn có của nó.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của kho tàng tư liệu Hán Nôm nói chung, ở Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và bảo tồn hết sức khó khăn.
Phó trưởng Phòng Phát huy giá trị di tích (Ban Quản lý di tích Nghệ An) Trần Văn Hữu: “Tại Nghệ An hiện còn nhiều tư liệu Hán Nôm về Hà Tĩnh cần được nghiên cứu và bảo tồn”.
Nhiều đại biểu cho rằng, điều kiện về nhân lực, kinh phí cho công tác này còn hạn chế. Số lượng người đam mê tâm huyết với việc nghiên cứu, sưu tầm và có kiến thức về Hán Nôm không nhiều; việc phổ biến thông tin về các tài liệu Hán Nôm trong nhà trường chưa được quan tâm.
Để phát huy triệt để giá trị của nguồn di sản Hán Nôm, đại biểu đề xuất cần xây dựng đội ngũ nghiên cứu đông đảo về số lượng, vững vàng về chuyên môn và có nhiệt huyết với nghề; phải sâu sát cơ sở, tiếp cận với các cụ cao niên để tìm hiểu, sưu tầm tư liệu cổ.
Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Đức Hạnh: Cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng để khuyến khích những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn Hán Nôm.
Muốn làm được điều này phải có chính sách thu hút người trẻ học tập, nghiên cứu; ưu tiên tuyển dụng người có chuyên môn Hán Nôm; có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với những người làm công tác Hán Nôm; tăng cường các cuộc tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ trong ngành.
Đồng thời tăng cường đưa chữ Hán vào trường học để tiếp cận với đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, các ngành chức năng cần xây dựng kế hoạch bài bản để sưu tầm, biên dịch, bảo tồn, số hóa tư liệu chữ Hán…
Thạc sỹ Hoàng Ngọc Cương - chủ biên cuốn “Hà Tĩnh địa chí lược” báo cáo sơ lược về tình hình, đặc điểm và công tác bảo tồn tư liệu Hán Nôm tại Hà Tĩnh.
Tại buổi hội thảo, nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Ngọc Cương cũng giới thiệu đến các đại biểu cuốn “Hà Tĩnh địa chí lược” do tập thể cán bộ, nhà nghiên cứu Hán Nôm từ các đơn vị ngành văn hóa thực hiện.
Đây là tập sách được tập hợp, tuyển chọn, biên soạn, dịch chú từ nội dung của 4 tập sách: Hà Tĩnh tập biên; Hà Tĩnh xã chí; Dư địa chí xã, huyện, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; An – Tĩnh sơn thủy vịnh.
“Hà Tĩnh địa lược chí” là cơ sở bước đầu để các nhà nghiên cứu ở Hà Tĩnh tiếp tục công tác sưu tầm, bảo tồn tư liệu Hán Nôm.
Cuốn “Hà Tĩnh địa lược chí” là công trình nghiên cứu nằm trong đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch tư liệu Hán Nôm về Hà Tĩnh”. Đây được coi là cơ sở bước đầu để các nhà nghiên cứu ở Hà Tĩnh tiếp tục công tác sưu tầm, bảo tồn tư liệu Hán Nôm.
Dịp này, Nhà Xuất bản Nghệ An cũng đã trao tặng Thư viện Hà Tĩnh một số đầu sách viết về văn hóa Nghệ Tĩnh
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu trao đổi chuyên môn, tìm kiếm giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trong nghiên cứu về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của xã hội Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng. |