Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Vì vướng mặt bằng, dự án đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chậm tiến độ nghiêm trọng. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án này cũng đang khiến người dân bức xúc.

Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

Vì vướng mặt bằng nên phía đầu tuyến đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh (phía xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh) đơn vị thi công mới làm được khoảng 20m.

Dự án đường trục kết nối đô thị trung tâm (đoạn 2, từ Km 2+00 đến Km 3+33) thuộc dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh (nguồn vay vốn WB, do UBND thị xã Kỳ Anh làm chủ đầu tư). Đoạn đường này có mức đầu tư hơn 109 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 8/2022 và dự kiến sau 2 năm sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tuyến giao thông quan trọng kết nối trung tâm huyện Kỳ Anh với thị xã Kỳ Anh.

Triển khai dự án này, huyện Kỳ Anh sẽ phải đền bù GPMB 6,2 ha đất các loại của 65 hộ ở thôn Hiệu Châu, xã Kỳ Châu. Trong đó, có 34 hộ đất nông nghiệp (gần 2 ha với tổng chiều dài 840m, kinh phí phê duyệt 3,2 tỷ đồng); 31 hộ đất ở và đất vườn, 1 nhà thờ và 2 công trình tập thể với kinh phí dự kiến gần 43 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Kỳ Anh còn phải thực hiện GPMB thêm gần 1,2 ha đất ruộng (với kinh phí 1,9 tỷ đồng) để thực hiện dự án khu tái định cư (TĐC) thôn Hiệu Châu phục vụ cho các hộ bị ảnh hưởng, buộc phải di dời khi làm đường.

Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

Những ngôi nhà ở thôn Hiệu Châu thuộc diện phải di dời đến nay vẫn nguyên hiện trạng, chưa được bồi thường.

Theo phương án phê duyệt, công tác đền bù GPMB, TĐC của dự án phải xong trước năm 2022. Đến nay, dù đã bồi thường xong 2 ha đất nông nghiệp với số tiền 3,2 tỷ đồng nhưng huyện Kỳ Anh mới chỉ bàn giao cho chủ đầu tư được 540m/840m chiều dài đất nông nghiệp (bằng 64,3% kế hoạch). Đáng chú ý, toàn bộ diện tích đất ở, đất vườn, khu tái định cư bị ảnh hưởng... đều đang bỏ ngõ, nằm trên giấy.

Ông Nguyễn Quốc Cảnh - Tổ trưởng Tổ GPMB các dự án đầu tư huyện Kỳ Anh cho biết: “Hiện nay, khu TĐC thôn Hiệu Châu chưa có nên không thể di dời. Nguyên nhân của vấn đề này là do quá trình triển khai xây dựng các thủ tục và công tác thẩm định quy hoạch khu TĐC quá chậm, triển khai năm 2021 nhưng đến tháng 8/2023 mới hoàn thành. Do vậy, các phần việc có liên quan phía sau bị tắc đọng".

Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

Những thửa ruộng thuộc diện đền bù đã bỏ hoang 3 vụ gần đây, trong khi người dân đang cần tư liệu sản xuất.

Vấn đề bồi thường GPMB, TĐC cũng đang còn những vấn đề băn khoăn, thắc mắc của bà con như: giá bồi thường thấp trong khi giá tại khu TĐC cao; một số hộ muốn được TĐC tại chỗ vì dự án hiện chưa sử dụng hết quỹ đất dự kiến thu hồi; quy hoạch đất ở khu TĐC rộng (300m2/suất) nên những hộ được đền bù ít khó khăn trong mua đất... Đặc biệt, người dân bày tỏ sự lo lắng khi nghe thông tin huyện có phương án phải bàn giao mặt bằng trước tháng 10 sắp tới. Thời gian 1,5 tháng còn lại là quá bức bách, gấp rút vì cần phải có từ 3 - 6 tháng để làm nhà ở mới.

Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

Công trình cầu số 2, bắc qua Sông Trí hiện ước đạt khoảng 40% khối lượng vì vướng mặt bằng.

Vì công tác giải phóng mặt bằng chậm nên tiến độ thi công tuyến đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, đến nay luỹ kế khối lượng hoàn thành chỉ mới đạt hơn 24,2 tỷ đồng (đạt khoảng 14% khối lượng thi công). Tại thời điểm này, trên công trình này hầu như đang “đắp chiếu”, chỉ trừ cầu số 2, bắc qua Sông Trí (nối xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh với phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) là đang thi công để giảm thiểu thiệt hại khi mưa lũ về.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Chỉ huy trưởng thi công của Công ty CP Xây lắp và Thương mại Hùng Cường cho biết: "Vì vướng mặt bằng nên hiện nay, toàn tuyến đường chưa thể thi công. Riêng cầu số 2, chúng tôi đang tập trung thi công các mố trụ ở phía thị xã Kỳ Anh, còn phía bờ đối diện chưa có mặt bằng để làm. Công trình hiện ước đạt khoảng 40% khối lượng nhưng không biết bao giờ xong vì phụ thuộc hoàn toàn vào mặt bằng; hiện máy móc, nhân lực, vật liệu đã sẵn sàng để thi công các hạng mục còn lại”.

Cần sớm giải phóng mặt bằng đường trục kết nối đô thị trung tâm Kỳ Anh

Khu vực quy hoạch là khu TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng hiện đang được sản xuất lúa.

Mặt bằng vướng mắc, thi công ì ạch đang khiến người dân bức xúc, bất an. Anh Phan Công Hòa ở thôn Hiệu Châu phản ánh: “Gia đình chúng tôi có căn nhà tầng rộng 170 m2 thuộc diện phải giải phóng, di dời. Cán bộ về kiểm đếm đã 2 năm nhưng chưa thấy động tĩnh gì cả, nhiều lần hỏi chính quyền thì đều nói “sắp đền bù” khiến chúng tôi trong cảnh đi không được, ở cũng chẳng xong. Chúng tôi đang mong các cấp, ngành giải quyết rõ ràng, dứt điểm và đẩy nhanh tiến độ thi công đường để đảm bảo đi lại, sản xuất, sinh hoạt của bà con".

"Hiện nay, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ GPMB, TĐC các dự án huyện Kỳ Anh đang tập trung tuyên truyền, vận động để bà con đồng thuận cao. Các phòng ngành chức năng sẽ tập trung thực hiện các phần việc như: phê duyệt giá đất TĐC cụ thể trước ngày 20/9/2023; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC trình thẩm định phê duyệt trước ngày 30/9/2023; tổ chức chi trả tiền bồi thường trước 15/10/2023; vận động các hộ di dời, bàn giao mặt bằng trước 30/10/2023...", ông Nguyễn Quốc Cảnh - Tổ trưởng Tổ GPMB các dự án đầu tư huyện Kỳ Anh thông tin thêm.

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.