Mồ hôi là "hệ thống làm mát" khi cơ thể trở nên quá nóng, như lúc bị sốt, tập luyện, làm việc nặng nhọc hay ăn uống đồ cay nóng. Mồ hôi chủ yếu là sự kết hợp của muối và một lượng nhỏ chất thải được tiết qua những tuyến mồ hôi nhỏ li ti trên bề mặt da. Ngoài chức năng giữ cho cơ thể mát mẻ, mồ hôi còn giúp làm sạch các lỗ chân lông và thải độc tố. |
Mồ hôi rất "nhạy cảm" với những yếu tố như sự thay đổi hormone, các tác nhân gây ra stress hoặc mầm mống một căn bệnh nào đó. Vì vậy, mồ hôi có thể nói với chúng ta rất nhiều điều về cơ thể của mình. |
Bạn quá căng thẳng và mệt mỏi: Những áp lực trong công việc, cuộc sống là nguyên nhân khiến cho chứng tăng tiết mồ hôi ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Bình thường, bài tiết mồ hôi là quá trình có lợi chứ không hề có hại. Nhưng khi mồ hôi tiết quá nhiều, nó có thể để lại nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe như gây mệt mỏi, gây viêm da, rạn da, làm mất chất điện giải, thiết hụt vitamin, khoáng chất… Vì vậy, bạn nên giữ tinh thần ở trạng thái tốt nhất, duy trì lối sống điều độ, khoa học để tránh rơi vào tình trạng stress kéo dài. |
Phụ nữ mang thai và phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh thường ra nhiều mồ hôi: Ở phụ nữ mang thai, nguyên nhân là do nồng độ cortisol trong máu tăng dẫn tới chức năng vỏ tuyến thượng thận ở vào trạng thái hoạt động quá mức, cộng thêm quá trình trao đổi chất cơ bản của thai phụ, chức năng thần kinh tự chủ thay đổi, dẫn đến chức năng đàn hồi của mạch máu không ổn định, lượng máu dưới da tăng, lượng mồ hôi cũng tăng nhiều. Để khắc phục, bạn nên uống nhiều nước, tránh hoạt động thể lực nhiều, mặc quần áo rộng rãi, chú ý không ngồi trước quạt và điều hòa quá lâu để tránh bị cảm. Đối với phụ nữ tiền mãn kinh, mồ hôi đổ nhiều do sự sụt giảm nồng độ estrogen, ảnh hưởng đến một phần của não bộ, làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Máu lưu thông trong các mạch máu nhiều hơn, làm giãn mao mạch ở da. Chính vì vậy, da của bạn trở nên đỏ ửng và bắt đầu đổ mồ hôi. Để hạn chế, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh nên giữ cân nặng ổn định, duy trì thói quen tập thể dục và tránh xa thuốc lá, rượu bia. |
Bạn bị say nắng, kiệt sức: Trong điều kiện nhiệt độ nắng nóng, nếu cơ thể đột ngột không đổ mồ hôi hoặc đồ mồ hôi rất ít, ngoài ra, bạn còn cảm thấy chóng mặt, đó là dấu hiệu bạn đã kiệt sức vì nắng nóng. Hãy nhanh chóng đến một địa điểm mát mẻ hơn và tìm kiếm sự giúp đỡ. |
Bệnh tăng tiết mồ hôi, ra mồ hôi quá nhiều hay còn gọi là Hyperhidrosis: Chứng bệnh này gây tác hại nghiêm trọng đến hoạt động thường ngày. Hyperhidrosis ảnh hưởng đến lòng bàn tay, lòng bàn chân và nách, tạo ra lo lắng, bối rối. Hyperhidrosis biến chứng còn gây ra nhiều bệnh về da như nấm móng tay, nhiễm trùng, mụn cóc. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mồ hôi đột ngột đổ nhiều, thường xuyên ra mồ hôi trộm vào ban đêm mà không rõ nguyên nhân, hãy đi khám ở các cơ sở y tế để chẩn đoán. |
Hội chứng mùi cá Trimethylaminuria: Mùi mồ hôi tanh là dấu hiệu của hội chứng rối loạn trao đổi chất hiếm gặp. Khi mắc bệnh, cơ thể không chuyển hóa trimethylamine có trong thực phẩm có mùi tanh, làm cho hóa chất tích tụ bên trong cơ thể trước khi nó được bài tiết ra ngoài qua đường mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Người mắc bệnh chỉ có thể làm giảm mùi này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các loại thực phẩm có chất gây mùi như trứng, cá. |
Các bệnh liên quan đến tim mạch: Mồ hôi đổ nhiều khi không vận động hoặc căng thẳng có thể là dấu hiệu của các bệnh đau tim. Đó là một phần của phản ứng phế vị - mạch, gây sụt giảm nhịp tim và áp huyết đột ngột. Phản ứng như vậy cũng có thể xuất hiện ở những người đang vô cùng đau đớn, bị chảy máu não hoặc viêm ruột thừa cấp. Bất kỳ ai có dấu hiệu này đều cần được đưa đi cấp cứu bệnh viện càng nhanh càng tốt. Trong khi chờ đợi, họ cần được ngồi ở tư thế thoải mái và trừ khi bị dị ứng, cần nhai từ từ 300mg aspirin. Cách này sẽ giúp làm mỏng máu, giảm cục máu đông và có thể ngăn chặn giãn nở cục máu gây nghẽn động mạch. |