Từ khi tham gia vào chương trình OCOP, gia đình ông Phùng Đăng Anh (thôn 3, xã Ân Phú) không còn lo đầu ra cho sản phẩm mật ong mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Được thành lập vào cuối năm 2015 với 10 thành viên, đến nay, HTX Nuôi ong Ân Phú đã phát triển lên 27 thành viên. Để sản phẩm mật ong có chỗ đứng trên thị trường, đảm bảo chất lượng và ổn định đầu ra cho bà con, đầu năm 2019, HTX bắt tay vào xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Ông Phùng Đăng Anh ở thôn 3 (xã Ân Phú) - thành viên HTX cho biết, được các cấp “tiếp sức” về kỹ thuật, kinh nghiệm và sự quyết tâm làm giàu của các thành viên nên đầu năm 2020, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Ân Phú đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi xây dựng thành công thương hiệu, bà con trong HTX không còn lo lắng về đầu ra, giá cả.
Gia đình ông Phùng Đăng Anh hiện nuôi 30 đàn ong, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 300 lít mật.
“Gia đình hiện nuôi 30 đàn ong, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 300 lít mật, với giá 250 nghìn đồng/lít, tôi thu về hơn 75 triệu đồng. Thu nhập từ nuôi ong đã giúp gia đình từ hộ khó khăn vươn lên trở thành hộ khá của địa phương. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình OCOP, sản phẩm mật ong của gia đình đã có chỗ đứng trên thị trường, đến mùa thương lái và “mối quen” đến đặt hàng cả vụ, gia đình không còn phải lo tìm đầu ra như trước” - ông Anh cho hay.
Còn với gia đình ông Đậu Khắc Mạnh ở thôn 4 (xã Ân Phú), OCOP đã “chắp cánh” cho sản phẩm mật ong của gia đình được vươn xa.
Không chỉ gia đình ông Anh hưởng “lợi ích kép” từ việc tham gia vào sản phẩm OCOP, mà 26 thành viên còn lại của HTX Nuôi ong Ân Phú đều phấn khởi khi sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó, không bị thương lái ép giá.
Ông Đậu Khắc Mạnh ở thôn 4 (xã Ân Phú) cho biết: “Bây giờ, cứ vào vụ là thương lái lại đến tận nhà thu mua. Nhờ đảm bảo kỹ thuật nuôi mà các cấp hướng dẫn nên 60 đàn ong của gia đình luôn cho chất lượng mật tốt, được khách hàng tin tưởng sử dụng. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm mật của gia đình còn được tiêu thụ tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... Có thể nói, OCOP đã “chắp cánh” cho sản phẩm mật ong của gia đình được vươn xa”.
Bình quân mỗi năm, gia đình ông Đậu Khắc Mạnh cung cấp ra thị trường khoảng 700 lít mật, thu về gần 150 triệu đồng.
Cũng theo ông Mạnh, bình quân mỗi năm, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 700 lít mật, thu về gần 150 triệu đồng. Riêng vụ mật năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên ong tiết mật đều, ước được gần 800 lít mật. Khác với những hộ nuôi khác, nếu như đa số người dân bán được 180 - 200 nghìn đồng/lít mật thì gia đình ông nhờ xây dựng được thương hiệu “OCOP” nên được tiêu thụ ổn định với mức giá 250 nghìn đồng/lít.
Ông Phan Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phú cho biết: “Toàn xã hiện có trên 40 hộ nuôi ong, với hơn 500 đàn. Trong đó, HTX Nuôi ong Ân Phú đã xây dựng thành công sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương ngày một phát triển, sản phẩm mật ong ngày càng vươn ra các thị trường lớn, chính quyền địa phương đang vận động các hộ tham gia HTX để đồng nhất chất lượng sản phẩm, từ đó có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”.
Để nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn ngày một phát triển, xã Ân Phú đang tích cực vận động các hộ tham gia vào HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Lương - Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Vũ Quang cho biết: “Tham gia vào chương trình OCOP, các thành viên của HTX Nuôi ong Ân Phú ngoài đảm bảo được đầu ra, ổn định giá cả cho sản phẩm, còn có điều kiện cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu. Đồng hành cùng người dân trên hành trình “nâng tầm” sản phẩm nông nghiệp của địa phương, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con như: hỗ trợ kỹ thuật, quy trình, hồ sơ... để xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ số tiền 30 triệu đồng khi sản phẩm đạt chuẩn. Qua đó, giúp người dân yên tâm phát triển đàn ong, góp phần tăng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM của huyện”.