Những thông báo...
Xã Kỳ Giang có 15 hộ được giao đất rừng đã trồng thông theo chủ trương giao đất gắn với giao rừng. Từ cuối năm 2016 đến nay, có 6 hộ làm đơn xin được khai thác rừng thông để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong số các hộ làm đơn xin thanh lý rừng, đã có 4 hộ nộp tiền với mức từ 1,5 -12,5 triệu đồng/hộ (tùy thuộc vào số cây xin chặt).
Tuy nhiên, ngày 20/2/2017, UBND xã Kỳ Giang đã có thông báo yêu cầu tạm dừng việc khai thác với lý do đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ hộ có rừng thông cũng như để xã thống nhất ban hành một số cơ chế, chính sách và quy trình cấp phép khai thác. Và mới đây, khi làm việc với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang Trần Minh Lam thông tin thêm rằng, hiện UBND xã đã họp và quyết định chấm dứt hẳn việc khai thác thông trên địa bàn.
Dù là người trực tiếp ký vào Thông báo số 06 ngày 20/2/2017 về việc tạm dừng khai thác, cắt bán gỗ thông trên địa bàn xã Kỳ Giang nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Giang lại không nắm được xã có bao nhiêu diện tích rừng thông được giao cho dân, bao nhiêu diện tích xin được khai thác, vì sao phải thu tiền theo đầu cây, vì sao lại không cho dân chuyển đổi cây trồng?...
Cuối cùng, vị này đành “lửng lơ” thừa nhận: “Tôi chẳng biết việc gì cả. Việc tạm dừng khai thác thông được thực hiện theo kết luận của hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã vào ngày 19/2/2017 và việc chấm dứt khai thác cũng là do ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy”.
Tương tự xã Kỳ Giang, theo phản ánh của người dân, chính quyền xã Kỳ Đồng cũng có những động thái không cho các hộ khai thác tài sản hợp pháp của mình trên diện tích đất lâm nghiệp đã được giao.
Việc thu phí của người dân khi khai thác rừng cũng đang được các địa phương này thực hiện chưa đúng quy định. Theo Khoản 3, Điều 8 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, “khi khai thác sản phẩm rừng trồng, chủ rừng chỉ phải nộp cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của xã, thôn, bản số tiền tương đương với 80 kg thóc/ha/chu kỳ rừng trồng, trong đó, trích nộp mỗi quỹ là 50%”.
Tuy nhiên, trong thực tế, UBND xã Kỳ Giang đang tự định giá thu là 10.000 đồng/cây. Điều này gây thiệt thòi cho người dân vì theo ước tính, mật độ thông ở Kỳ Giang khoảng 500-700 cây/ha, còn giá thóc tại thời điểm này chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
... và giấy thu tiền sai quy định của chính quyền địa phương
Làm việc với chúng tôi, các cơ quan chức năng cho rằng, việc chính quyền xã Kỳ Giang và Kỳ Đồng không cho người dân khai thác rừng thông là trái với các quy định hiện hành. Theo Điều 6, Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT: “Việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng tập trung trong rừng sản xuất do chủ rừng quyết định, nếu khai thác trắng phải trồng lại rừng mới ngay vụ trồng rừng kế tiếp. Trước khi khai thác, tận dụng, tận thu gỗ báo cáo bằng văn bản với cấp thẩm quyền biết về địa danh, khối lượng gỗ khai thác để tổng hợp báo cáo, theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện và xác định nguồn gốc gỗ trong lưu thông...”.
Thiết nghĩ, giao đất, giao rừng để nâng cao đời sống, ổn định sinh kế, tăng hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh ta. Việc chính quyền xã Kỳ Giang, Kỳ Đồng cấm người dân khai thác thông trong trường hợp này theo chúng tôi hoàn toàn trái quy định. Hy vọng rằng, UBND huyện Kỳ Anh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có hướng xử lý đúng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.