Video: Hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến Sơn - Thượng
Đường huyện Kỳ Sơn - Kỳ Thượng (ĐH.145, còn gọi là đường Sơn - Thượng) có chiều dài gần 9km, được đầu tư xây dựng từ năm 2004; mặt đường rộng 3,5-5m, kết cấu láng nhựa và bê tông.
Trải qua thời gian dài sử dụng, trong đó có việc phục vụ vận tải nông, lâm sản cho bà con vùng thượng Kỳ Anh, con đường đã trở nên tồi tệ với rất nhiều ổ gà, ổ voi.
Đường Kỳ Sơn - Kỳ Thượng xuống cấp nghiêm trọng.
“Con đường này đã hư hỏng khoảng 5 năm gần đây. Hiện nay, đường qua thôn chúng tôi rất khó đi lại. Tại khu vực trước ngõ nhà tôi, do đường xuống cấp, đá lô nhô nên thường xảy ra tai nạn giao thông.
Các vụ tai nạn tuy chưa ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nhiều học sinh, người dân bị xây xước và hư hỏng phương tiện” - ông Trần Văn Vượng, thôn Tiến Quang, xã Kỳ Thượng bức xúc nói.
Một trong những đoạn xuống cấp nặng nề, qua thôn Tiến Quang, xã Kỳ Thượng.
Ông Lê Viết Lãm - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho hay: “Đường Sơn - Thượng đi qua địa bàn có chiều dài hơn 5 km. Hiện trạng con đường này là nỗi nhức nhối bấy lâu tại địa phương, nhất là đoạn qua thôn Tiến Quang. Trong đó, đoạn khe Nhơi là một trong những khu vực nguy hiểm về mùa mưa, đe dọa tính mạng của người đi đường, đồng thời gây chia cắt khu dân cư khi mưa lớn, lũ.
Trong nhiều năm qua, đường xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến người dân, học sinh trong việc đi lại và giao thương hàng hóa. Đặc biệt, đường ngày càng xuống cấp đã làm cho việc vận chuyển nguyên liệu rừng trồng của người dân rất khó khăn. Những năm gần đây, người dân phải vận chuyển nguyên liệu theo đường vòng từ xã Kỳ Lâm xuống theo tuyến ĐT.554, dù xa hơn 4,5 lần. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp có cơ chế, chính sách để đầu tư tu sửa song chưa thấy phúc đáp”.
Chỉ sau một trận mưa, đường Kỳ Sơn - Kỳ Thượng lại xuất hiện nhiều vũng nước.
“Địa phương đã nhiều lần huy động người dân san gạt, vá tạm một số điểm cục bộ để hạn chế ổ gà, giảm tai nạn giao thông. Cùng đó, xã đã làm việc với các hộ dân sống hai bên đường chủ động mở rộng hành lang, nạo vét những đoạn mương bị bồi lấp để hạn chế tai nạn” – ông Lãm trao đổi thêm.
Cùng chung cảnh ngộ với người dân Kỳ Thượng, nhiều năm qua, người dân xã Kỳ Sơn hết sức vất vả với tuyến đường này.
Đoạn tuyến đi qua xã Kỳ Sơn chật hẹp và xuống cấp nghiêm trọng.
Không chỉ xuống cấp nghiêm trọng, tuyến đường qua địa bàn còn hẹp về chiều ngang, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn thông tin: “Đường Sơn - Thượng là tuyến xương sống trên địa bàn xã, đi qua 4/8 thôn, với chiều dài gần 4 km. Đường làm đã gần 20 năm nên ngày càng hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn rất lớn cho việc đi lại của người dân cũng như phát triển sản xuất.
Trước tình trạng đó, hằng năm xã đều trích ngân sách, thuê máy móc, nguyên vật liệu và huy động sức dân để san lấp, tu sửa những đoạn hư hỏng, nhất là đoạn xói lở chỉ còn đường đất".
Theo ông Trần Văn Vượng (bên trái), đường xuống cấp nghiêm trọng nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Anh, các công trình trên tuyến Sơn – Thượng hiện không còn đảm bảo khả năng khai thác, đặc biệt, các vị trí cầu, tràn xuống cấp trầm trọng, không an toàn trong lưu thông.
Địa phương đã đề xuất đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, với quy mô bề rộng nền/mặt là 9/6m và làm mới công trình cầu, cống thoát nước.
Các công trình trên tuyến Sơn – Thượng như một số cầu, tràn hiện không còn đảm bảo khả năng khai thác.
Mục tiêu của việc đầu tư là hoàn thiện kết nối tuyến này với tuyến ĐT.554 và QL.12C tạo thành trục giao thông chính của 2 xã Kỳ Sơn, Kỳ thượng phục vụ đi lại, sản xuất của người dân; đồng thời, kết nối trung tâm hành chính các xã Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, trường học và trạm y tế trên địa bàn. Đặc biệt, tuyến đường được đầu tư sẽ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông, lâm sản của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng thượng, tạo điều kiện cho Nhân dân ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, đường được đầu tư cũng góp phần đảm bảo QP-AN khu vực, tăng cường khả năng tiếp cận phòng chống cháy rừng trong mùa khô hạn, phục vụ cứu hộ cứu nạn mùa mưa lũ.
Theo tính toán của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Anh, nếu được đầu tư, tuyến đường sẽ phục vụ cho hơn 4.100 hộ dân, hơn 13.600 nhân khẩu hưởng lợi trực tiếp.
Chính quyền và người dân địa phương đang rất trông chờ tuyến đường được nâng cấp, sửa chữa.
Trao đổi về giải pháp đối với tuyến đường này, ông Bùi Huy Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho hay: Đường huyện Kỳ Sơn – Kỳ Thường xuống cấp nghiêm trọng trong nhiều năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân cùng sự phát triển kinh tế - xã hội vùng thượng huyện Kỳ Anh và bộ mặt nông thôn mới của hai xã.
Trước thực tế đó, chúng tôi đã tích cực, chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn và hiện đang chờ ý kiến thống nhất của các ban, bộ, ngành Trung ương.