Video: Cận cảnh việc khai thác sỏi cuội trên sông Rào Nổ.
Tận thu các loại vật liệu sẵn có trên địa bàn phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới nhằm giảm chi phí đóng góp của người dân, ngày 7/6/2022, UBND xã Hòa Hải (Hương Khê) đã có phương án khai thác cát, sỏi cuội trên sông Rào Nổ chảy qua địa bàn. Khu vực khai thác thuộc bãi bồi ven sông Rào Nổ đoạn qua thôn 4, thôn 5 có chiều dài 365m, chiều rộng 15m, tổng diện tích khai thác gần 5.500 m2.
“Khai trường” sông Rào Nổ nhìn từ trên cao.
Ngày 15/6, UBND xã Hòa Hải ký hợp đồng vận chuyển cát, sỏi tận thu với Hợp tác xã Hòa Hải (đóng trên địa bàn). Theo đó, Hợp tác xã Hòa Hải có trách nhiệm dùng máy xúc múc cát, sỏi dưới lòng sông Rào Nổ, vận chuyển về tận các xóm để làm giao thông nông thôn. Giá khai thác, vận chuyển là 100.000 đồng/m3.
Hơn 1 km sông Rào Nổ bị khai thác tan hoang.
Thực hiện hợp đồng, Hợp tác xã Hòa Hải bắt tay vào khai thác lòng sông Rào Nổ đoạn dưới chân cầu Tân Hòa, thuộc thôn 5, xã Hòa Hải. Hằng ngày, 1 chiếc máy múc cắm gàu xuống sông, xúc sỏi cuội, đổ lên thùng xe tải phía trên có 1 chiếc sàng để lựa lấy những sỏi cuội kích thước nhỏ lẫn cát.
Xe này đầy thùng chạy lên bờ thì xe khác lại đến. Những chiếc xe chở đầy sỏi cuội cứ tất tả ngược xuôi, thứ thì đổ về các công trình giao thông nông thôn của các thôn, thứ thì được tập kết tải các bãi chứa tạm thời.
Chiếc máy xúc đào xới lòng sông Rào Nổ.
Thời điểm này nước cạn, lòng sông Rào Nổ nham nhở với chằng chịt vũng nước sâu do máy đào và từng đụn đá có kích thước lớn được bỏ lại sau khi sàng. Nhiều trẻ em đua nhau tắm ngay cạnh “khai trường”. Đặc biệt, những chiếc ao nhỏ này có độ sâu bất thường do quá trình khai thác cát, sỏi cuội dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao.
Ông Nguyễn Nhâm (bên trái) bày tỏ những lo lắng trước hiện trạng sông Rào Trổ bị khai thác bừa bãi.
Ông Nguyễn Nhâm (52 tuổi, ở thôn 5, xã Hòa Hải) cho biết: Việc khai thác cát, sỏi cuội ở đoạn sông này xảy ra từ năm ngoái và được thực hiện theo từng đợt. Đợt này, bắt đầu từ cuối tháng 6 lại nay. Mấy ngày nay, thấy xe múc cả ngày với hàng trăm khối...
Còn theo ông Phạm Văn Thuận (thôn 5, xã Hòa Hải), việc khai thác cát, sỏi ngay sát chân cầu, sát với diện tích đất ở, đất sản xuất của dân sẽ gây ảnh hưởng rất lớn về môi trường, đời sống dân sinh. Chính quyền địa phương cần xem xét, xử lý.
Sông Rào Nổ bị múc nham nhở.
Làm việc với ông Phạm Đình Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải, chúng tôi được biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã có chủ trương khai thác nguồn vật liệu xây dựng tự có ở địa phương để giảm chi phí. Theo đó, hằng năm, xã đều ký hợp đồng với Hợp tác xã Hòa Hải (đóng trên địa bàn) để khai thác cát, sỏi cuội tại bãi bồi ven sông Rào Nổ đoạn qua thôn 4, thôn 5.
Những đụn đá lớn khiến dòng chảy thay đổi.
Ông Thái cho biết: Tranh thủ cơ chế hỗ trợ xi măng của Nhà nước, năm nay, xã đăng ký thực hiện hơn 9 km đường giao thông nông thôn. Để giảm mức đóng góp của Nhân dân, xã đã tận dụng nguồn vật liệu (cát, sỏi cuội) tại khu vực sông Rào Nổ. Vẫn biết, việc tận thu này là “nóng tay bắt tai” nhưng địa phương đành phải vận dụng.
Trẻ em đua nhau tắm, bất chấp những hiểm nguy rình rập.
Trao đổi những lo ngại của người dân về hệ lụy của việc tận thu lòng sông Rào Nổ, ông Thái thẳng thắn thừa nhận: Việc khai thác tận thu nguồn cát, sỏi cuội trên sông Rào Nổ chắc chắn sẽ phát sinh những hệ lụy xấu về môi trường, dòng chảy, sạt lở, tình hình an ninh trật tự. Mặc dù xã đã dự báo và có các giải pháp như: quy định thời gian, địa điểm khai thác, vận chuyển, biện pháp hoàn trả sau khai thác và kiểm tra, giám sát nhưng không thể triệt để được.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hải Phạm Đình Thái cho rằng: “Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất là việc doanh nghiệp lợi dụng khai thác cát, sỏi cuội phục vụ làm giao thông nông thôn của địa phương để bán cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn. Thực tế một số địa phương đã để xảy ra hiện tượng này. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu người dân trong xã có nhu cầu phải đăng ký qua thôn, xã; không cho phép HTX Hòa Hải tự ý đổ vật liệu cho nhà dân và vận chuyển ra khỏi địa bàn...”.
Hàng trăm khối cát, sỏi cuội khai thác dưới lòng sông Rào Nổ được tập kết cạnh chân cầu Tân Hòa.
Theo ông Nguyễn Xuân Quyền – Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê, đợt này, xã Hòa Hải đang tập trung làm giao thông nông thôn, có báo cáo về việc xin vận dụng nguồn vật liệu trên địa bàn để giảm kinh phí đóng góp của người dân. Đơn vị đã chỉ đạo xã phải tuân thủ chặt chẽ đề án, kế hoạch, các giải pháp an toàn, nhất là san gạt, hoàn trả hiện trường sau khai thác.
Theo ông Quyền, việc vận dụng nguồn vật liệu có sẵn trên địa bàn các xã khó tránh khỏi những sai sót. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp các phòng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, những vi phạm vẫn xảy ra. Điển hình như năm 2021, chúng tôi đã phát hiện, xử lý 18 trường hợp vi phạm, trong đó, xã Hòa Hải xảy ra 2 vụ sai phạm liên quan đến khai thác tận thu đất.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập các đoàn công tác kiểm tra chặt chẽ hoạt động khai thác vật liệu xây dựng có sẵn trên địa bàn phục vụ làm giao thông nông thôn của các địa phương. Nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm” - ông Quyền nói thêm.