Vì sao dự án điện mặt trời ở Hương Sơn 5 năm vẫn "nằm trên giấy"?

(Baohatinh.vn) - Cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) mong muốn sớm làm rõ tương lai dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Quang và khắc phục những vấn đề tồn đọng có liên quan.

DSC_4639 - Copy.JPG
Cánh đồng quy hoạch Dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Quang vẫn nguyên hiện trạng sau hơn 5 năm phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Quang do Công ty TNHH GA Power Solar Park làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 29/9/2018, sau đó được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3379/QĐ-UBND ngày 6/11/2018.

Theo phê duyệt, dự án năng lượng mặt trời này có công suất 29 MWp, đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua trạm biến áp nâng áp 22/110 kV điện mặt trời Sơn Quang và tuyến đường dây 110 kV xây dựng mới dài 2 km. Dự án sẽ hoàn thành sau 2 năm phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào khai thác, hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020...

Thế nhưng, sau hơn 5 năm, Công ty TNHH GA Power Solar Park vẫn “án binh bất động”, dự án đang nằm trên giấy, mọi công tác triển khai đều đang “đóng băng”, chưa chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ bị ảnh hưởng...

image_6487327.JPG
Ông Lê Văn Hiền (thôn Bảo Trung) mong muốn sớm làm rõ tương lai của dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Ông Lê Văn Hiền ở thôn Bảo Trung (xã Quang Diệm) thông tin: “Gia đình tôi có 2 sào đất trong diện ảnh hưởng dự án này. Sau khi kiểm đếm, áp giá bồi thường, năm 2019 chính quyền yêu cầu dừng sản xuất nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền. Bà con nhiều lần đề xuất cấp trên phải làm rõ dự án có triển khai nữa hay không, nếu có thì bao giờ, lộ trình như thế nào để hạn chế tối đa ảnh hưởng sản xuất, đời sống, tâm tư... nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hà Sơn) phản ánh: “Gia đình tôi có 2 sào đất màu thuộc diện bồi thường của dự án với số tiền 100 triệu đồng. Mọi thủ tục liên quan đều đã hoàn thành nhưng 5 năm chờ đợi, vẫn chưa thấy tiền đến tay”.

DSC_4559 - Copy.JPG
Dù đang là vụ sản xuất chính trong năm (vụ xuân) nhưng một số thửa ruộng vẫn bỏ hoang.

Ông Nguyễn Thân – Trưởng thôn Bảo Trung (xã Quang Diệm) cho biết: “Bà con trong thôn thuộc diện ảnh hưởng dự án khá bức xúc, phản ánh nhiều lần qua các cuộc họp thôn, họp đoàn thể, tiếp xúc cử tri... Đại đa số bà con đều kiến nghị cấp trên phải sớm có quyết định dứt khoát về dự án này. Nếu triển khai tiếp và chi trả tiền giải phóng mặt bằng thì hoàn toàn ủng hộ, còn không thực hiện thì cần có quyết định chấm dứt sớm để bà con có đất sản xuất, yên tâm làm ăn”.

Được biết, vào năm 2018, xã Sơn Quang cũ (nay là xã Quang Diệm) đã tổ chức kiểm đếm, họp dân thống nhất phương án bồi thường, ký chấp thuận mức áp giá... Theo đó, dự án có 226 hộ ở thôn Bảo Trung và thôn Hà Sơn bị ảnh hưởng với diện tích 32 ha đất sản xuất, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt là hơn 31 tỷ đồng (mỗi sào 50 - 80 triệu đồng, tùy thuộc loại đất và mức độ ảnh hưởng). Kiểm đếm, áp giá xong, đầu năm 2019, UBND huyện Hương Sơn yêu cầu người dân dừng sản xuất để bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện bước chi trả thì Công ty TNHH GA Power Solar Park không chuyển tiền về cho địa phương thực hiện và kéo dài cho đến nay. Sau 1 năm chờ đợi mà không nhận được tiền, dự án có dấu hiệu ngưng trệ, một vài hộ dân đã canh tác trở lại. Tuy nhiên, vì đất thuộc quy hoạch dự án nên bà con chỉ sản xuất cầm chừng, một số diện tích bị bỏ hoang, hạ tầng sản xuất không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa...

DSC_4541 - Copy.JPG
Do đất vướng quy hoạch nên một số hộ dân ở thôn Hà Sơn trồng cỏ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Quang Diệm cho hay: “Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung vào cuộc, làm hết vai trò, trách nhiệm của mình để thu hút dự án về địa bàn. Việc dự án hơn 5 năm “đắp chiếu”, trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư vì họ không chuyển tiền bồi thường mà không nêu rõ lý do, không thực hiện đúng cam kết trước UBND tỉnh. Dự án “treo” đã ảnh hưởng đến dư luận, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tác động xấu đến sản xuất, công tác quy hoạch và chuyển đổi ruộng đất của địa phương, cản trở lộ trình đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất...”.

“Trước nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, chúng tôi đã nhiều lần phát biểu ý kiến trong các cuộc họp của tỉnh, của huyện và có văn bản kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên, những băn khoăn của bà con đến nay vẫn chưa được giải tỏa, các kiến nghị, đề xuất chưa được giải quyết. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền sớm trả lời về việc dự án có triển khai nữa hay không và có hướng xử lý các vướng mắc, tồn đọng hiện nay” - ông Nguyễn Xuân Cảnh chia sẻ thêm.

DSC_4566 - Copy.JPG
Vì đất trong diện bị thu hồi nên hệ thống kênh mương, đường nội đồng... không thể nâng cấp, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Trần Bình Thân cho biết: Địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, bồi thường giải phòng mặt bằng, còn các vấn đề khác được UBND tỉnh giao các sở, ngành cấp tỉnh. Trong đó, Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ chính trong triển khai dự án.

“Đến thời điểm này, huyện chưa nhận được quyết định chấm dứt dự án và cũng chưa nhận được bất cứ phản hồi nào rõ ràng từ phía nhà đầu tư về việc triển khai tiếp hay dừng. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung vào cuộc, phối hợp với các sở, ngành để sớm làm rõ tương lai của dự án cũng như giải quyết các vấn đề có liên quan” - ông Trần Bình Thân khẳng định.

Chủ đề Giải phóng mặt bằng

Đọc thêm

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Gần 20 năm có bìa đỏ nhưng không được giao đất: Cần sự vào cuộc quyết liệt, “thấu lý, đạt tình”!

Đã nộp tiền 19 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế, ông Trần Văn Tuấn ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn chưa được cấp đất. Ngoài một phần lỗi của công dân thì chính quyền địa phương có nhiều sai sót, tắc trách trong vụ việc này.
Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Sau 16 năm, 82 lô đất ở vẫn “đắp chiếu” vì vướng quy hoạch

Năm 2006, UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cấp cho các hộ dân 82 lô đất ở vùng Cồn Bia, thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng (nay là TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà). Thế nhưng đến nay, sau 16 năm, khu đất này vẫn chưa có hạ tầng thiết yếu, khiến người dân băn khoăn, bức xúc.
Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Nhanh chóng tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Bộc Nguyên

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng cá chết ở hồ Bộc Nguyên, sáng 23/8, Sở TN&MT Hà Tĩnh phối hợp với các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước ở những khu vực có cá chết và thượng nguồn hồ nước để tìm nguyên nhân.
Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Người dân xã Đỉnh Bàn bị cấm cản trái phép khi khai thác hải sản

Một số người dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã bị cấm cản trái phép, thậm chí bị hành hung khi khai thác các loài nhuyễn thể tự nhiên ở khu vực bãi bồi ven Cửa Sót (thuộc địa phận xã Đỉnh Bàn). Sự việc chưa được giải quyết thấu đáo nên người dân viết đơn phản ánh lên Báo Hà Tĩnh.
Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Những yêu cầu của ông Hồ Phúc Duẩn là không có căn cứ

Vừa qua, Báo Hà Tĩnh tiếp nhận đơn thư của ông Hồ Phúc Duẩn ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) yêu cầu được chi trả tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 và xã phải đứng ra làm bìa đỏ cho gia đình ông. Tuy nhiên, qua xác minh, chúng tôi nhận thấy các yêu cầu của ông Duẩn là không có căn cứ.