Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang đã tổ chức xây dựng mô hình khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, ứng dụng VNeID và mô hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại đơn vị.
Người dân Vũ Quang thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh khi chỉ cần dùng thẻ CCCD.
Ông Nguyễn Văn Toại - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vũ Quang cho biết: “Việc triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip có rất nhiều lợi ích, nhất là tiết kiệm được thời gian, công sức cho cả người dân và đơn vị. Trước đây, khi đến bệnh viện, người dân phải mang nhiều loại giấy tờ như: CMND, CCCD, BHYT... thì nay, chỉ cần mang theo thẻ CCCD hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID đạt mức 2 là có thể thực hiện khám chữa bệnh BHYT”.
Cũng theo ông Toại, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian chờ, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh cho người nhà và bệnh nhân. Đồng thời, giúp đơn vị thuận lợi hơn trong việc quản lý thông tin bệnh nhân và nguồn thu viện phí, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Thay vì phải dùng tiền mặt để thanh toán viện phí, người dân có thể quét mã QR để rút ngắn thời gian.
Đến khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện Vũ Quang, ông Nguyễn Chí Thanh (69 tuổi, ở xã Đức Bồng) không còn phải mang theo thẻ BHYT hay sổ theo dõi khám bệnh bằng giấy như trước đây mà chỉ cần thẻ CCCD gắn chíp. Mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng nên ông thấy rất hài lòng.
Ông Thanh cho biết: “Tôi sử dụng CCCD gắn chíp để đăng ký khám bệnh từ đầu năm 2023. Giờ đây, khi đến tái khám hoặc cần đăng ký khám chữa bệnh thì chỉ cần đưa thẻ CCCD cho nhân viên y tế quét mã QR vào đầu đọc thẻ là hiện lên tất cả thông tin cá nhân, lịch trình khám. Điều này rất thuận tiện cho người bệnh và đỡ mất thời gian của nhân viên y tế, đồng thời tạo thuận lợi cho bác sĩ nắm bắt được tiền sử bệnh tật của người đăng ký khám".
Không chỉ tại Trung tâm Y tế huyện, tại các khu vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Vũ Quang cũng đã bắt nhịp xu thế chuyển đổi số để tạo thuận lợi trong giao thương. Tại các cửa hàng đều có bảng quét mã QR, người mua hàng thay vì dùng tiền mặt chỉ cần quét mã qua điện thoại là có thể thanh toán.
Khi tới các cửa hàng tạp hóa, ăn uống, người dân Vũ Quang có thể thanh toán tiện lợi bằng mã QR.
Chị Hoàng Thị Thành - chủ một cửa hàng ăn trên địa bàn thị trấn Vũ Quang chia sẻ: "Sử dụng mã QR để thanh toán, tôi thấy rất tiện ích. Bởi việc thanh toán được diễn ra nhanh gọn, chỉ cần điện thoại được kết nối internet, sử dụng các app ngân hàng để quét mã. Điều này cũng giúp tôi dễ dàng thống kê các khoản thu nhập trong ngày vì có lịch sử nhận tiền, không phải lo tiền giả hay thiếu tiền mặt".
Mật ong Vũ Quang trên sàn thương mại điện tử Lazada.
Việc tăng cường áp dụng chuyển đổi số trong việc xúc tiến quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các gian hàng trực tuyến nhằm kết nối thị trường bằng cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo...; sử dụng Facebook, Zalo để bán hàng và giới thiệu sản phẩm... cũng được người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh linh hoạt sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) sử dụng thêm mạng xã hội để quảng bá cam Vũ Quang.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Bình Quang, xã Đức Liên), tiểu thương chuyên thu mua cam cho biết: “Trong bối cảnh thị trường bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn thì việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội đã tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, góp phần đưa các sản vật của địa phương đến gần hơn với khách hàng. Đồng thời, đây cũng là một cách chủ động đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống. Với cách bán hàng này, vào mỗi vụ cam, chị thu mua, xuất bán cho bà con trên địa bàn được hơn 300 tấn cam".
Huyện Vũ Quang đã và đang đưa chuyển đổi số đi vào cuộc sống của người dân.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vũ Quang Nguyễn Minh Đức cho biết: “Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, Vũ Quang đã và đang nỗ lực thực hiện quá trình thay đổi môi trường sống, làm việc, quản lý, sản xuất, kinh doanh... từ truyền thống sang số hóa. Tại huyện Vũ Quang, chúng tôi cũng đã thành lập 10 ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, thị trấn và 79 tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố, hiện đã đi vào hoạt động hiệu quả. Đây là xu thế tất yếu nên việc đưa chuyển đổi số “thấm” sâu đời sống của người dân là vô cùng cần thiết. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số, tạo nền tảng để dần hình thành nhận thức số, xã hội số, công dân số".